Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường, phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu

Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường, phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu

Việc nghiệm thu đề tài này giúp xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường ven bờ Phú Yên và cung cấp thông tin nhanh về ảnh hưởng của tràn dầu để kịp thời ứng phó.

Đề tài rất cần thiết

Phú Yên có bờ biển dài 189km, quanh co, khúc khuỷu, tạo nên những đầm vịnh, như đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô. Đây là những nơi có nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản lớn nhất của tỉnh. Bên cạnh đó, đặc điểm phát triển và tăng trưởng của các vùng ven biển như hiện nay luôn ẩn chứa mối đe dọa tiềm tàng từ con người và thiên nhiên như hiện tượng ưu dưỡng, thủy triều đỏ, tràn dầu, ô nhiễm môi trường…

Đặc biệt, Tổng kho xăng dầu Vũng Rô thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) tại miền Trung thường xuyên trữ gần 15.000 khối xăng dầu với mật độ tiếp nhận hằng tuần thì nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu rất cao. Thực tế, Phú Yên từng xảy ra sự cố tràn dầu vào đầu năm 2007, dầu tấn công lên các bãi khu vực miền Trung từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Bình Thuận.

Sau đó, các cơ quan chức năng đã thu gom trên 1.900 tấn dầu thô đưa về khu tiêu hủy. Hay sự cố tàu vận tải biển New Oriental lâm nạn và chìm đắm năm 2008 ở vùng biển xã An Ninh Đông (huyện Tuy An). Vết dầu đã loang ra cách vị trí tàu bị chìm về hướng Tây Nam khoảng 500m với diện rộng, ước tính khoảng 25ha.

Theo ThS Lầu Và Khìn, sự cố tràn dầu có thể xảy ra do tai nạn hàng hải, sự cố đối với các kho xăng dầu, hoạt động chuyển tải dầu, không tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường của các tàu thuyền tham gia lưu thông, từ các hoạt động ngoài biển khơi như khai thác và vận chuyển dầu khí… Sự cố tràn dầu ở Phú Yên không chỉ tác động xấu đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, du lịch, dịch vụ… mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và các hệ sinh thái ven bờ như thảm cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn.

PGS.TS Trần Thanh Tùng, giảng viên Trường đại học Thủy lợi Hà Nội cho rằng, ô nhiễm dầu làm giảm sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái từ tác động của các tai biến. Khi chảy loang trên mặt nước, dầu tạo thành váng và bị biến đổi tính chất. Hàm lượng dầu trong nước tăng, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi oxy giữa không khí và nước, dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái.

“Do đó, nếu xảy ra sự cố tràn dầu, khả năng ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái ven bờ là rất lớn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân ven bờ và vùng kế cận. Vì vậy, việc xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường vùng ven bờ phục vụ các sự cố tràn dầu tỉnh Phú Yên nhằm phục vụ cho công tác ứng phó và phòng tránh khi sự cố xảy ra là rất cần thiết”, PGS.TS Trần Thanh Tùng nhấn mạnh.

Kết quả nghiên cứu của đề tài không chỉ phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu mà còn là cơ sở khoa học cho việc dự báo xu hướng các vấn đề môi trường, sức tải môi trường, đa dạng sinh học. Đây cũng chính là cơ sở cho các nhà quy hoạch, quản lý địa phương sử dụng trong điều hành các hoạt động KT-XH, đảm bảo phát triển bền vững.

ThS Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN Phú Yên

Chủ động ứng phó sự cố tràn dầu

Tháng 10/2021, đề tài “Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường vùng ven bờ phục vụ các sự cố tràn dầu tỉnh Phú Yên” được phê duyệt. ThS Lầu Và Khìn cùng các cộng sự ở Viện Hải dương học đã thu thập, tổng quan các dữ liệu liên quan đến vùng ven bờ Phú Yên có khả năng bị tác động và ảnh hưởng khi xảy ra sự cố tràn dầu; khảo sát hiện trạng đặc điểm khu vực nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường.

Phú Yên Online - Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường, phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu
Bản đồ nhạy cảm môi trường tỉnh Phú Yên được nhóm nghiên cứu rất công phu. Ảnh: LỆ VĂN

Mặt khác, nhóm nghiên cứu còn xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường vùng ven bờ, phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh bao gồm 134 đoạn bờ trong bờ; xác định được các khu vực chỉ số nhạy cảm môi trường ở mức trung bình cao đến cao, các khu vực ưu tiên bảo vệ.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xây dựng chương trình mô phỏng dòng chảy và lan truyền dầu; các kết quả tính toán mô hình theo các kịch bản cho 4 khu vực ven biển tại TX Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa và TX Đông Hòa; xây dựng bản số về nhạy cảm môi trường, thể hiện đầy đủ thông tin về đường bờ biển, ven bờ và các nguồn tài nguyên có khả năng bị ảnh hưởng, giúp các đơn vị chức năng xác định được khu vực nhạy cảm cần ưu tiên bảo vệ khi xảy ra sự cố tràn dầu. Nhất là đề tài đã tích hợp chương trình quản lý dữ liệu của mô hình dòng chảy, tích hợp lên bản đồ nhạy cảm môi trường vùng ven bờ phục vụ các sự cố tràn dầu tỉnh Phú Yên theo địa chỉ http://phuyen.site, nhằm giúp các cơ quan quản lý ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra…

“Bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ biển, bao gồm các bản đồ, địa đồ và các bảng biểu thể hiện các thông tin về đường bờ, ven bờ và các nguồn tài nguyên KT-XH có khả năng bị ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu; bản đồ nhạy cảm môi trường được tỉnh xác định là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng khoanh vùng quản lý nghiêm ngặt hơn, hạn chế tối đa sự cố đáng tiếc về tràn dầu”, ThS Khầu Và Thìn cho biết thêm.

Đánh giá đề tài, TS Bùi Trọng Vinh, giảng viên Trường đại học Bách khoa – Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn cho cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh Phú Yên, giúp cơ quan quản lý nhận diện chính xác những khu vực có nguy cơ bị tác động và ảnh hưởng, những khu vực có tính nhạy cảm cao cần được ưu tiên phòng ngừa, bảo vệ kịp thời khi xảy ra sự cố tràn dầu”.

Hội đồng KH&CN cấp tỉnh vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường vùng ven bờ phục vụ các sự cố tràn dầu tỉnh Phú Yên”. Đề tài do ThS Làu Và Khìn, Viện Hải dương học làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ tháng 10/2021 đến nay, tổng kinh phí hơn 1,6 tỉ đồng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích