Xây đô thị sân bay thế nào khi quỹ đất quanh Tân Sơn Nhất gần hết?
Thay vì đắn đo chuyển đổi quỹ đất phức tạp, các nhà quy hoạch cho rằng quanh Tân Sơn Nhất có thể chuyển đổi không gian đa tầng, đa chiều khi mở ra đô thị sân bay trong thành phố.
“Jewel Changi kết hợp trải nghiệm về thiên nhiên và thị trường, khẳng định ý tưởng sân bay như một trung tâm đô thị thăng hoa và sôi động, thu hút du khách và người dân, làm vang danh Singapore là Thành phố trong vườn”, Moshe Safdie – KTS, nhà quy hoạch đô thị người Israel nói về tác phẩm của mình.
Là cửa ngõ hàng không trung chuyển hàng hóa, hành khách quan trọng, Jewel Changi hiện đón hơn 70 triệu lượt khách mỗi năm và là niềm tự hào của quốc đảo sư tử. Trong khi với tổng diện tích chỉ bằng 1/3 TP.HCM, Singapore vẫn khiến cả thế giới kinh ngạc trước một đô thị sân bay nhộn nhịp.
Sự tương đồng về vị trí địa lý lẫn quy mô dân số của TP.HCM và quốc gia này khiến các nhà quy hoạch nhìn nhận tham vọng phát triển đô thị sân bay ở TP.HCM không hẳn quá mơ hồ. Vì trên thực tế, đối mặt với bài toán thiếu thốn hạ tầng và cạn kiệt quỹ đất thì thành phố lớn nhất cả nước vẫn có thể tháo gỡ nếu có đủ quyết tâm.
Tân Sơn Nhất có thể trở thành biểu tượng
Trong bối cảnh sân bay Long Thành đi vào hoạt động và gánh bớt một lượng hành khách và hàng hóa qua Tân Sơn Nhất, khu vực này buộc phải trở thành một điểm đến hấp dẫn người dân đô thị như Jewel Changi mà Singapore từng làm.
TP.HCM cần biến Tân Sơn Nhất thành một một biểu tượng KTS Ngô Việt Anh |
Việc phát triển đô thị sân bay giúp cửa ngõ Tân Sơn Nhất không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của hành khách mà tạo ra cơ hội và động lực phát triển kinh tế, thương mại, du lịch cho toàn vùng.
Chỉ ra những bài học từ nước bạn, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan (giảng viên Khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP.HCM) cho biết Cảng hàng không quốc tế Changi đã nỗ lực nâng cấp liên tục các nhà ga hiện có và xây dựng các nhà ga mới để giảm thiểu tác động của cơ sở hạ tầng cũ.
Thác nước Rain Vortex cao 40 m trong khuôn viên Jewel Changi (Singapore). Ảnh: Arsen Lim. |
Giống với định hướng phát triển khu vực Tân Sơn Nhất mà các nhà quy hoạch đề cập gần đây, Jewel Changi là mô hình đô thị mới lấy cộng đồng làm trung tâm như linh hồn của sân bay Changi. Đô thị hàng không này không chỉ đầy những khu vực bán lẻ hàng hiệu, khách sạn, nơi vui chơi giải trí, thể thao mà còn có tháp nước cao nhất thế giới trong nhà mang tên Rain Vortex, bệnh viện, trung tâm thương mại.
TS.KTS Hoàng Ngọc Lan nhìn nhận Tân Sơn Nhất là sân bay có công suất phục vụ lớn nhất Việt Nam. Thế nhưng, từ tọa lạc trên một gò đất cao nhất thành phố, giờ đây Tân Sơn Nhất nằm lọt thỏm vào đô thị do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ 30 năm qua.
Điều này làm cho Tân Sơn Nhất không còn quỹ đất để phát triển và gần như bị giới hạn bởi cả 4 phía. Thế nhưng, xung quanh Tân Sơn Nhất đã hình thành các dịch vụ cần thiết của một cảng hàng không quốc tế, dù việc hình thành này mang tính tự phát để đáp ứng nhu cầu hành khách và hàng hóa. Đây vừa là thách thức cũng là cơ hội cho thành phố phát triển mô hình đô thị sân bay.
Đường Trường Sơn (quận Tân Bình) gánh lượng lớn phương tiện qua mỗi ngày. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cùng quan điểm, ThS.KTS Ngô Việt Anh (Khoa Quy hoạch và Kiến trúc – Đại học Xây dựng) cũng cho rằng để học hỏi từ Changi, TP.HCM cần biến Tân Sơn Nhất thành một bộ phận không thể tách rời kiến trúc cảnh quan, một biểu tượng mang tính đại diện và là cửa ngõ đô thị.
Đặt trong bối cảnh giao thông quanh Tân Sơn Nhất vẫn còn nhiều hạn chế, vị chuyên gia này cho rằng kể cả nhiều kinh nghiệm như Songdo, Incheon (Hàn Quốc), mô hình đô thị sân bay kiểu mẫu này thực chất cũng không phát triển đúng như mong muốn dù được quy hoạch bài bản về hạ tầng.
Thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch cả vùng
Không riêng Changi (Singapore), những mô hình đô thị sân bay lý tưởng trên thế giới như Incheon (Hàn Quốc), Schiphol (Hà Lan) cũng cho thấy các chức năng quy hoạch đô thị quanh sân bay tập trung vào thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp, logistics. Trong đó, yếu tố quan trọng để đô thị xung quanh sân bay có thể phát huy lợi thế là hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị đồng bộ.
ThS Nguyễn Ngọc Trâm Anh (Sở Quy hoạch Kiến trúc) cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của Tân Sơn Nhất là thiếu sự phối hợp giữa các phương tiện giao thông công cộng với sân bay; chưa khai thác hiệu quả quỹ đất có khả năng phát triển quanh Tân Sơn Nhất, xung quanh các ga metro gần sân bay; các khu CBD (central business district – trung tâm kinh doanh và thương mại của một thành phố), khu đô thị mới có khả năng kết nối với sân bay tốt nhưng mạng lưới giao thông, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng.
Để đạt mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất quanh sân bay bay, ThS Trâm Anh cho rằng không thể bỏ qua quyền lợi của người dân đang sinh sống tại khu vực này. Điều đó đòi hỏi quy hoạch phân khu phải định hướng các chức năng mở có khả năng phát triển với mô hình đô thị xung quanh Tân Sơn Nhất, nhưng kết hợp với các quy định để quyền lợi người dân, chủ sở hữu sử dụng đất không bị mất quyền lợi.
Tân Sơn Nhất đang sở hữu giá trị lớn với tài sản trên đất, hệ sinh thái từ đô thị, doanh nghiệp, lao động trong chuỗi cung ứng TS Nguyễn Ngọc Hiếu |
TS.KTS Hoàng Ngọc Lan cho rằng với quỹ đất giao thông trên mặt đất bị hạn chế, thành phố có thể cân nhắc giải pháp làm tuyến light rail (đường sắt nhẹ) trên cao, kết nối trực tiếp từ sân bay đến khu trung tâm tại vị trí ga metro Bến Thành và trạm buýt Sài Gòn.
Đối với khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, chuyên gia Hoàng Ngọc Lan đặt vấn đề nếu quỹ đất dành để sự phát triển đô thị sân bay “gần như không còn” thì TP.HCM có thể cân nhắc khai thác không gian ngầm cho các chức năng mới.
Không hoài nghi những lợi thế từ mô hình kinh tế đô thị sân bay mang lại, TS Nguyễn Ngọc Hiếu khẳng định Tân Sơn Nhất vẫn là tài sản quan trọng bậc nhất của đô thị cần được khai thác lâu dài.
Chuyên gia cho rằng sân bay này đang sở hữu giá trị lớn với tài sản trên đất và những hệ sinh thái đắt giá từ đô thị, doanh nghiệp, lao động trong chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với thị trường từ rất lâu. Điều này đặt ra thách thức cho nhà quản lý là làm thế nào để khai thác hiệu quả những giá trị này song hành với sân bay Long Thành.
Hệ sinh thái thương mại, dịch vụ quanh sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: Busanpedia. |
Kể cả khi không còn nhiều đất, chuyên gia nhìn nhận thành phố vẫn có thể chuyển đổi không gian từ chiều rộng sang chiều cao lẫn chiều sâu. Chuỗi giá trị mới đa tầng sẽ giúp thành phố giải bài toán mà không cần lấy thêm đất.
Để biến Tân Sơn Nhất trở thành đô thị sân bay đúng nghĩa cần có tầm nhìn quy hoạch đảm bảo tận dụng được mọi ưu thế của sân bay này. Việc xây dựng các khu vực vệ tinh xung quanh Tân Sơn Nhất cũng sẽ mang đến khối lượng công việc đồ sộ cần giải quyết và thực hiện một cách đồng bộ.
Song, nếu trở mình thành công, Tân Sơn Nhất sẽ không chỉ dừng lại là tầm vóc một sân bay quốc tế mà còn định hình cả đường hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của cả vùng, hay mạnh mẽ hơn là của cả nước.
Các tuyến đường dự kiến mở rộng khơi thông cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Phương Trâm. |
Nguồn: Báo xây dựng