Xấu hổ vì vi phạm giao thông trước mặt con
Xấu hổ vì vi phạm giao thông trước mặt con
Để giúp các con nhận thức, hình thành thói quen trong chấp hành quy định về an toàn giao thông (ATGT), cha mẹ cần trở thành tấm gương sáng, tấm gương mẫu mực để con noi theo.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2021 trên toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người.
Chỉ tính riêng trong tháng 9/2021 (từ ngày 15/8 đến 14/9), cả nước xảy ra 488 vụ, làm chết 253 người và làm bị thương 301 người.
Có thể thấy, dù nước ta bước vào giai đoạn giãn cách nhưng chỉ trong thời gian ngắn, số lượng tai nạn giao thông vẫn rất đang báo động. Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh cần giáo dục ý thức tham gia giao thông cho trẻ ngay từ nhỏ.
Cha mẹ là tấm gương sáng giáo dục an toàn giao thông cho trẻ
Trẻ dễ tiếp thu và hành động theo người lớn, đặc biệt những người gần gũi nhất. Chính vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần nghiêm túc chấp hành luật an toàn giao thông để làm gương cho con.
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sỹ Lê Thị Loan – nguyên trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đánh giá: “Đối với các em, cha mẹ là hình mẫu có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Trong cuộc sống, trẻ thường chú ý tới các thói quen hàng ngày của cha mẹ và học hỏi những giá trị và hành vi ứng xử này khi lớn lên. Nói cách khác, các em luôn coi cha mẹ là tấm gương để noi theo, dù tốt hay xấu. Đây là lý do quan trọng vì sao các bậc phụ huynh cần luôn đề cao văn hóa giao thông, chấp hành Luật giao thông một cách có ý thức, bắt đầu từ những hành vi rất nhỏ như việc dừng chờ đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy”.
Phụ huynh tác động rất lớn đến ý thức tham gia giao thông của con (Ảnh minh họa)
Anh Nguyễn Văn Minh – Phụ huynh của bé 8 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, cậu con trai của anh nhận thức rất nhanh, chỉ cần mình làm việc gì mà bé nhìn thấy là bé sẽ làm theo. Vì vậy, anh luôn dặn bản thân phải luôn làm đúng và là tấm gương sáng để con noi theo.
“Mỗi lần 2 bố con ra đường, trước khi đi tôi luôn đội mũ bảo hiểm, con nhìn thấy cũng tự lấy mũ đội không cần bố nhắc nhở. Tôi chỉ nói “ con trai của bố giỏi lắm, lần sau tiếp tục phát huy”. Từ đó, bé tự hiểu được trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông là phải đội mũ bảo hiểm”, anh Minh nói.
Từng ngại ngùng trước con vì vi phạm giao thông, chị Phùng Thị Hoa (Cầu Giấy – Hà Nội) tâm sự: “Có lần tôi chở con đi siêu thị ở ngay phía bên kia đường, thay vì phải đi vòng mất một đoạn xa mới tới, tôi đã đi ngược đường để nhanh hơn. Cháu thấy thế liền hỏi “Sao mẹ đi ngược chiều? Nguy hiểm quá mẹ ơi”. Sau đó khuôn mặt cháu thất thần và tỏ ra rất khó chịu khi mẹ đi sai.
Tôi thấy hình ảnh của mình bị xấu đi trong mắt con và chẳng bao giờ tôi dám vi phạm giao thông, đặc biệt trước mặt con”.
Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân trong việc nêu gương và hướng dẫn con trẻ tuân thủ quy định giao thông, chị Lê Thu Thủy (Đống Đa – Hà Nội) cho biết, chị thường lấy hình ảnh từ thực tế tham gia giao thông để phân tích, đồng thời giảng giải cho các con hiểu thế nào là tham gia giao thông đúng pháp luật.
Chị Thủy nói: “Nhiều khi tôi đi đường đón con, qua các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, dù chỉ còn 3 giây nữa thôi nhưng tôi cũng dừng lại, dù là sắp đèn vàng. Một số người đi xe máy cố tình vượt thì tôi chỉ con bảo những người kia vi phạm luật, các con sau này lớn phải chấp hành nghiêm chỉnh vì nhanh một vài giây không giải quyết vấn đề gì cả, tốt nhất mình nên chấp hành đúng luật. Con từ đó cũng hiểu được trách nhiệm của mình”.
Thạc sỹ Lê Thị Loan nhấn mạnh, phụ huynh phải nhận thức rõ rằng gia đình là trường học đầu tiên và cực kỳ quan trọng cho trẻ về việc tham gia giao thông. Hơn ai hết phụ huynh phải gương mẫu chấp hành luât giao thông, ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông, tuyệt đối không vi phạm ATGT dù chỉ là một lỗi nhỏ.
Kết hợp giữa gia đình và nhà trường để giáo dục ATGT cho trẻ
Để nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông cho các em học sinh, bên cạnh sự nỗ lực từ phía gia đình thì còn đòi hỏi rất nhiều sự đóng góp của nhà trường và xã hội.
Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ tại các trường học (Ảnh minh họa)
Cô Nguyễn Thị Oanh – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Giang – Vĩnh Phúc chia sẻ, nhà trường luôn phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh như thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Thầy cô nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, không chở quá số người quy định,…
“Khi học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ mà bị xử lý, tuyệt đối cha mẹ không tìm mọi cách để “xin” CSGT, “xin” nhà trường mà phải giáo dục cho các em ý thức công dân; cùng học sinh thực hiện nghĩa vụ công dân, cho học sinh cùng tham gia nộp phạt để nâng cao trách nhiệm cho các em”, cô Oanh nói.
Bên cạnh đó, cô Oanh cũng nhắn nhủ các bậc phụ huynh, cha mẹ tuyệt đối không cho con đi xe máy đến trường; không đáp ứng các yêu cầu của con; không nuông chiều, dễ dãi với các con. Kiểm soát thời gian học tập và các hoạt động ở trường thông qua thời khóa biểu của giáo viên chủ nhiệm cung cấp và các hoạt động của em ngoài giờ học.
Rõ ràng, việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho con trẻ ngay từ chính gia đình của mình. Vì thế, cha mẹ cần tự nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông và là tấm gương sáng để các con noi theo.