“Xanh hóa” xe buýt: Cần sự đồng lòng, đồng bộ để phá vỡ các rào cản
Những khó khăn nhãn tiền
Với dân số đông, nhịp độ đô thị hóa mạnh mẽ, trong 10 năm qua, mặc dù hạ tầng giao thông Thành phố Hà Nội đã có sự phát triển nhanh chóng, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhưng ùn tắc giao thông vẫn là vấn đề nan giải. Trong bối cảnh hiện tại, phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhất là xe buýt được coi là giải pháp khả thi, bền vững để giảm ùn tắc giao thông. Theo lộ trình tại Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%.
Thực hiện quyết định trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, từ năm 1998 đến nay, số lượng phương tiện xe buýt trong hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đã tăng từ 300 xe lên hơn 2.000 xe; mạng lưới hoạt động phủ khắp toàn bộ các quận, huyện, thị xã.
Thời gian gần đây, chất lượng đoàn phương tiện vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đã được cải thiện. Xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường được đầu tư mở rộng. Ảnh: Đinh Luyện |
Thực tế hiện nay, Hà Nội có tới 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện đạt 13,6% toàn mạng. Trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu diezel cần thay thế. Tuy nhiên, để “xanh hóa” phương tiện thì chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2 – 4 lần so với xe buýt diezel là những khó khăn thách thức không nhỏ.
Tại tọa đàm “Hà Nội làm gì để xanh hoá xe buýt?” do Báo Giao thông tổ chức, ông Phạm Đình Tiến – Trưởng phòng Kế hoạch – Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sang phương tiện xanh, sạch có nhiều khó khăn. Có thể kể đến ba thách thức chính.
Phương tiện “xanh” là phương tiện sử dụng nhiên liệu tái tạo, có hiệu suất cao, có ứng dụng công nghệ thông minh, có tác động tích cực, giảm thiểu tác hại cho môi trường. Các phương tiện CNG và buýt điện do Hà Nội vận hành đã đem đến những hiệu ứng tích cực, được nhân dân tiếp nhận, bằng chứng là sản lượng tăng không ngừng, lượng khách đi lại thường xuyên cao. |
Thứ nhất là vốn đầu tư. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp. Kèm theo đó là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.
Thách thức thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh.
Thứ ba là hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi xe buýt xanh.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, hiện có nhiều rào cản với việc “xanh hóa” là cơ chế chính sách, nguồn lực chuyển đổi và hạ tầng phục vụ. Đây là điều các cơ quan quản lý cũng nhìn nhận rõ. Điều này cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành cũng như các đơn vị doanh nghiệp liên quan.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, để đáp ứng đúng theo lộ trình của Chính phủ và Thành phố đưa ra thì mỗi năm cần chuyển đổi gần 200 phương tiện, bởi vậy cần phải có hạ tầng thật tốt để phục vụ hoạt động này.
Xu thế tất yếu
Rõ ràng, sự định hướng chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường là hết sức chính xác và đúng đắn. Việc các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng của Hà Nội nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu “xanh hóa” phương tiện vận tải hành khách công cộng là rất đáng ghi nhận.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu thân thiện với môi trường cũng được nhiều đơn vị vận tải của Thủ đô chú trọng. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội – một trong những đơn vị vận hành xe buýt chủ lực của Thủ đô là ví dụ.
Theo đó, trong nhiều báo cáo tổng kết cũng như định hướng phát triển, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đều thống nhất rằng, xu hướng, yêu cầu tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là dần chuyển đổi các loại phương tiện sang sử dụng năng lượng sạch. Do vậy, việc thay thế phương tiện mới, hoạt động trên các tuyến buýt đều nằm trong kế hoạch thay mới đoàn phương tiện của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Theo cam kết tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2025 trở đi, tất cả phương tiện buýt đầu tư mới sẽ là buýt điện, xe buýt xanh. Để thực hiện cam kết này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xây dựng và báo cáo Thành phố về các cơ chế, chính sách và lộ trình phù hợp dần thay thế phương tiện xe buýt hiện nay trên nguyên tắc bảo đảm tính khả khi, không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. |
Không chỉ nỗ lực đầu tư đổi mới đoàn phương tiện, công tác bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện hiện có cũng được các đơn vị trong Tổng Công ty Vận tải Hà Nội quan tâm. Mọi công đoạn bảo dưỡng, sửa chữa của các xí nghiệp trực thuộc đều phải tuân thủ theo quy trình chuẩn ISO của Tổng Công ty và được quản lý bằng hệ thống phần mềm chuyên dụng. Bất kỳ sự hư hỏng nào dù là nhỏ nhất cũng phải được kịp thời phát hiện, khắc phục nhằm bảo đảm an toàn trước khi xe ra tuyến.
Tương tự, dù mới tham gia vào hoạt động vận tải hành khách công cộng Thủ đô song Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus đã ghi đậm dấu ấn bằng việc mở nhiều tuyến xe buýt điện thân thiện với môi trường.
Quanh câu chuyện “xanh hóa” xe buýt, ông Đỗ Phan Anh – Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, từ lúc tiếp cận Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã nhận diện một số vấn đề như các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các văn bản pháp lý liên quan để triển khai loại hình mới. Cùng đó là nguồn lực đầu tư, như cơ chế chính sách, cơ chế đầu tư hạ tầng trạm sạc, các vấn đề về giao thoa trong chuyển đổi giữa phương tiện cũ và mới.
Rõ ràng, để giao thông Thủ đô đồng bộ và văn minh thì việc “xanh hóa” xe buýt là tất yếu. Tuy nhiên, để tháo gỡ các khó khăn liên quan thì vẫn cần sự đồng lòng, đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạch định chính sách và sự ủng hộ của người dân để phá vỡ các rào cản.
Nguồn: Báo lao động thủ đô