Xanh hóa hạ tầng: Động lực mới để TPHCM thu hút nhà đầu tư ngoại

Xanh hóa hạ tầng: Động lực mới để TPHCM thu hút nhà đầu tư ngoại

3 lợi ích cốt lõi của việc phát triển nền kinh tế xanh là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Thế nhưng, để có thể thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, việc chuyển đổi hạ tầng xanh được xem là bước đi cần thiết và đầu tiên.

Đón đầu năng lực xử lý môi trường

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết, TPHCM được xếp hạng cao về phát triển kinh tế xanh trong khu vực Đông Nam Á. Ghi nhận thực tế cho thấy, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc giảm ô nhiễm không khí, quản lý chất thải và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là kết quả nỗ lực dài hạn của TPHCM.

Tuy nhiên, với quy mô dân số trên 10 triệu người và tốc độ gia tăng dân số cơ học khoảng 200.000 người/năm, thành phố đã và đang phải đối mặt với áp lực rất lớn liên quan đến hạ tầng phục vụ đời sống an sinh nói chung và xử lý chất thải phát sinh ra môi trường nói riêng.

Hiện trung bình mỗi ngày, thành phố tiếp nhận 9.000-11.000 tấn rác thải sinh hoạt. Chưa kể còn có lượng lớn lên đến vài ngàn tấn chất thải khác bao gồm rác thải xây dựng, công nghiệp, nguy hại… Để đảm bảo lượng lớn chất thải phát sinh “đi đến nơi” và “xử lý đúng cách”, các đơn vị hạ tầng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh môi trường phải không ngừng cải thiện và nâng cao năng lực thu gom, xử lý chất thải.

mtdt-1-8452.jpg
Nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại công trường xử lý rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco), chia sẻ, là đơn vị “gánh” trọng trách bảo vệ môi trường của TPHCM, trải qua hơn 40 năm hoạt động, công ty đã luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ mà thành phố giao.

Trước áp lực chất thải phát sinh ra môi trường ngày càng gia tăng trên địa bàn thành phố (hơn 10.000 tấn rác thải sinh hoạt, hơn 3.000 tấn rác thải xây dựng và công nghiệp, hơn 300 tấn chất thải nguy hại từ hoạt động y tế và sản xuất), công ty đã chủ động xây dựng lộ trình, đảm bảo đi trước một bước về năng lực thu gom so với lượng rác thải phát sinh. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động xử lý chất thải, tránh những nguy cơ ùn ứ rác thải trong khu dân cư, gây ô nhiễm cảnh quan, môi trường trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, tại khâu xử lý cuối nguồn, công ty thường xuyên nâng cấp công suất các nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng và chất thải nguy hại, đảm bảo không để tồn dư lượng rác phát sinh không được xử lý.

Xanh hóa hạ tầng để thu hút nhà đầu tư ngoại

Gần đây nhất, TPHCM đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM đến năm 2030”. Theo đó, với chủ đề định hướng phát triển bền vững trên địa bàn, thành phố tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân; tăng cường quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên; đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế sinh thái…

mtdt-3-6191.jpg

Trước đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã thông qua chỉ tiêu đến năm 2025, TPHCM đạt tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%. Tỷ lệ này sẽ được nâng lên 100% trong năm 2030. Trên cơ sở đó, Citenco đã đề xuất UBND TPHCM cho phép đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện. Việc sớm được lãnh đạo TPHCM phê duyệt sẽ là động lực để công ty tăng tốc chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải, đáp ứng yêu cầu xanh hóa hạ tầng, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh mà thành phố đã và đang quyết tâm thực hiện.

Ở góc độ khác, theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, các ngành công nghiệp xanh, như năng lượng tái tạo, xử lý chất thải bằng công nghệ xanh… mang lại lợi ích kinh tế và sự cạnh tranh cho các quốc gia và địa phương. Việc xanh hóa hạ tầng không chỉ là nền tảng để thành phố có thể giữ chân nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động, mà còn là yếu tố cốt lõi để thu hút thêm nhà đầu tư mới, tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố.

Trong bối cảnh thương mại xanh đang lan tỏa toàn cầu, các thị trường xuất khẩu đang “ráo riết” áp dụng rào cản xanh để làm giảm năng lực cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, việc đầu tư chuyển đổi xanh đã và đang là lối đi bắt buộc. Tuy nhiên, đi trước vẫn là hạ tầng thành phố, trong đó các công ty hạ tầng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích