Xác định sự truyền nhiễm các thành phần kháng vi sinh vật trong bao bì giấy và carton tiếp xúc với thực phẩm

Các chất kháng vi sinh vật trên bao bì và giấy carton tiếp xúc thực phẩm

Bao bì tiếp xúc thực phẩm có nguồn gốc từ giấy, các tông đang chiếm thị phần vô cùng lớn và dần thay thế bao bì nhựa do thân thiện hơn với môi trường, dễ dàng thiết kế và sản xuất theo nhu cầu của người sử dụng, đảm bảo cung cấp đầy đủ chức năng của bao bì bảo vệ và chứa đựng thực phẩm, giá thành tương đối rẻ. Chính vì thế, bao bì giấy và các tông đã gắn liền với ngành chế biến, bảo quản thực phẩm, đặc biệt trong ngành sản xuất đồ uống và thức ăn nhanh.

Một số dạng bao bì giấy và các tông tiếp xúc thực phẩm sử dụng trong ngành sản xuất đồ uống và thức ăn nhanh.

Các chất kháng vi sinh vật được sử dụng trong quá trình sản xuất giấy và carton nguyên liệu để ức chế sự phát triển của vi sinh vật cũng như các thành phần chưa được kiểm soát tốt trong mực in ấn bao bì có thể thôi nhiễm trực tiếp vào thực phẩm, làm ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm.

Ngoài ra, các chất kháng vi sinh vật xuất hiện trên thực phẩm có khả năng gây dị ứng, đau bụng, buồn nôn, nhức đầu và một số phản ứng mẫn cảm với những người nhạy cảm với các chất kháng vi sinh vật. Việc vô tình sử dụng lượng nhỏ chất kháng sinh trong thời gian dài còn làm giảm hoạt động của hệ vi sinh vật có lợi, đồng thời làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh của một số vi sinh vật gây bệnh vốn hiện diện trong cơ thể.

Nặng nề hơn là các hỗn hợp chất kháng nấm có thể chứa thành phần hoá học, các kim loại nặng có thể gây ung thư cho người tiêu thụ một cách bị động mà khó phòng tránh được. Chính vì vậy, theo một số cơ quan quản lý của Pháp và Đức thì bao bì giấy và các tông tiếp xúc thực phẩm không được chứa các thành phần kháng vi khuẩn và nấm mốc khi thử nghiệm theo tiêu chuẩn EN 1104:2018.

Ở Việt Nam, hiện nay chưa có các quy chuẩn quốc gia quy định về chất lượng bao bì giấy và carton tiếp xúc thực phẩm. Tuy nhiên, TCVN 10091:2013 (EN 1104:2005) quy định ngoài việc xác định một số chỉ tiêu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực phẩm cũng như sức khoẻ người sử dụng như: độ ẩm, độ bền màu, hàm lượng formadehyde, hàm lượng chì, hàm lượng cadimi và thuỷ ngân thì các thành phần hoá chất có trên bao bì giấy và carton có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật cũng cần được kiểm soát.

Kiểm tra khả năng truyền nhiễm các thành phần kháng vi sinh vật

Để đáp ứng nhu cầu kiểm soát chất lượng bao bì giấy, đặc biệt đối với bao bì thực phẩm được xuất khẩu đến thị trường EU, Phòng thử nghiệm Vi sinh – GMO thuộc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) đã triển khai phương pháp thử “Giấy và carton – Xác định sự truyền các chất kháng vi sinh vật” dựa theo tiêu chuẩn BS EN 1104:2018”.

Phương pháp xác định sự truyền các chất kháng vi sinh vật được thôi nhiễm từ bao bì tiếp xúc thực phẩm dựa đánh giá khả năng bao bì ức chế sự phát triển của vi sinh vật, sử dụng 2 chủng đại diện là vi khuẩn Bacillus subtilis (B.subtilis) ATCC 6633 và nấm mốc Aspergillus niger (A.niger) ATCC 6275. Trong đó, B. subtilis được biết đến là một chủng lợi khuẩn gram dương có sức sống tốt và thường xuyên hiện diện trong điều kiện tự nhiên và A. niger là nấm mốc xuất hiện khắp trong các môi trường sinh sống xung quanh con người, là loài gây bệnh phổ biến cho con người.

Mẫu thử được cắt thành 9 tấm có kích thước từ (10 – 15) mm và được đặt trên thạch dinh dưỡng có chứa vi sinh vật. Trong thời gian nuôi cấy, nếu có xuất hiện các vòng ức chế (tối thiểu 2mm, tỷ lệ xuất hiện tối thiểu 2/9 tấm mẫu thử) thì mẫu bao bì được xem là có chứa các chất có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật.

Đối chứng cho thử nghiệm sự truyền các chất kháng khuẩn là kháng sinh Penicillin G 0,03U, đây là một kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm β-lactam, được ưu tiên sử dụng đầu tiên trong các trường hợp nhiễm khuẩn gram dương; đối chứng cho thử nghiệm sự truyền các chất kháng nấm mốc là Amphotericin B 20µg, đây là chất kháng nấm phổ rộng thuộc nhóm Polyen, chất cơ bản được dùng trong điều trị chống nấm xâm nhiễm.

Hình ảnh một số mẫu vi sinh vật gồm:

Đĩa giấy có tẩm kháng sinh chuẩn Penicillin G 0,03U ức chế sự phát triển của chủng vi khuẩn B. subtilis ATCC 6633, thử nghiệm được lặp lại 3 lần (a, b, c), kích thước vòng ức chế nằm trong khoảng từ (15 – 18) mm sau 3 ngày nuôi cấy. 
Đĩa giấy có tẩm kháng sinh chuẩn Amphotericin B 20µg ức chế sự phát triển của chủng nấm mốc A. niger ATCC 6275, thử nghiệm được lặp lại 3 lần (a, b, c), kích thước vòng ức chế nằm trong khoảng từ (7 – 13) mm sau 5 ngày nuôi cấy.
Mẫu giấy carton được kiểm tra sự truyền các thành phần kháng vi khuẩn B. subtilis ATCC 6633 (9 tấm mẫu thử trong các hình a, b, c).
Mẫu giấy carton được kiểm tra sự truyền các thành phần kháng nấm mốc A. niger ATCC 6275 (9 tấm mẫu thử trong các hình a, b, c).

Phương pháp trên được xác nhận giá trị sử dụng tại PTN, dữ liệu thử nghiệm cho thấy phương pháp có độ tin cậy cao, thời gian thử nghiệm nhanh chóng chỉ từ 3 đến 5 ngày và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu kiểm tra, kiểm soát các thành phần kháng vi sinh vật trên bao bì thực phẩm của khách hàng.

Để có thể đánh giá chất lượng sản phẩm bao bì tiếp xúc thực phẩm có hay không các thành phần kháng vi sinh vật, quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Phòng dịch vụ khách hàng của QUATEST 3: ĐT – 0251 3836 212 Ext: 3100 – email: [email protected] hoặc

Phòng Thử nghiệm Vi sinh – GMO: – 0251 3836 212 Ext: 3290 – email: [email protected].

Ánh Nguyệt – Văn Khánh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích