Xác định rõ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quy hoạch đô thị, xây dựng

(Xây dựng) – Sáng 13/6, tại cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng đánh giá tác động của quy định trong thực tế liên quan tới khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Xác định rõ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quy hoạch đô thị, xây dựng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, tổ chức sáng 13/6. (Ảnh: Thu Cúc/VGP)

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đã tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa quy định về khu vực bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định và thông báo cho UBND cấp tỉnh về khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, làm căn cứ xác định danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu, cũng như trong trường hợp có sự thay đổi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng đánh giá tác động của quy định trong thực tế; tiếp tục làm rõ khái niệm, cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, thời gian cung cấp thông tin về khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng khi chính quyền địa phương lấy ý kiến để xây dựng, điều chỉnh quy hoạch; trách nhiệm của chính quyền địa phương và các Bộ, ngành khi phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án nhà ở; quy định điều khoản chuyển tiếp để xử lý các trường hợp người nước ngoài đã mua nhà, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, hoặc trong khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được sử dụng làm công cụ điều tiết thị trường, khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu về nhà ở. Trong đó, nhà ở xã hội, nhà công vụ được đưa đầy đủ vào chương trình, kế hoạch, còn các chỉ tiêu nhà ở thương mại chỉ nên xác định những khu vực dự kiến phát triển loại hình nhà ở này phù hợp với quy hoạch xây dựng.

Phó Thủ tướng lưu ý thêm, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở phải đánh giá chính xác tình trạng nhà ở toàn quốc, cung cầu cụ thể cho từng phân khúc, nhằm điều tiết thị trường, bảo đảm chỗ ở cho người dân.

Xác định rõ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quy hoạch đô thị, xây dựng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Thu Cúc/VGP)

Một số nội dung khác đã được Bộ Xây dựng tiếp thu, giải trình, chỉnh lý là: Trình tự, thủ tục đối với việc lập kế hoạch đầu tư công trong phát triển nhà ở; nội dung lấy ý kiến thẩm định các nội dung về nhà ở khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở; quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với Luật Đất đai; trường hợp có một hoặc nhiều nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư…

Phó Thủ tướng yêu cầu tuân thủ nguyên tắc phân cấp triệt để, giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm, một bộ thủ tục thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, không quy định trùng lặp với pháp luật về đầu tư.

Tại cuộc họp, vấn đề tháo gỡ vướng mắc để tạo nguồn nhà ở xã hội, nhà tái định cư cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận.

Quy định nguồn vốn huy động phát triển nhà ở được Bộ Xây dựng chỉnh sửa về tổng mức huy động vốn, thời điểm huy động nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, tín dụng.

Bên cạnh huy động vốn cho các dự án nhà ở theo pháp luật tín dụng, đầu tư, kinh doanh bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị thiết kế điều khoản về nguồn vốn Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội như nhà công vụ, dành cho đối tượng chính sách, người nghèo…; hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội từ nguồn vốn Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

Phó Thủ tướng chỉ ra vấn đề lớn nhất trong quy định chuyển đổi công năng nhà ở là cơ chế, chính sách, thủ tục chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Các Bộ, ngành cần rà soát văn bản pháp luật để tháo gỡ ngay trong Nghị định này.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa quy trình phân hạng chung cư nhằm khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia theo các bộ tiêu chí chung cư xanh, thông minh, tiện nghi, tiết kiệm năng lượng, an toàn chứ không chỉ tập trung vào công năng sử dụng; có hình thức tôn vinh, hỗ trợ phù hợp đối với các chung cư được xếp hạng; quy định rõ trách nhiệm của ban quản lý chung cư, sử dụng tài sản chung, cách thức thu, quản lý quỹ bảo trì.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích