Xác định 16 chỉ tiêu năm 2022, GDP khoảng 6 – 6,5%

Trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (khai mạc ngày 20/10) của Quốc hội, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ tư đang diễn ra.

Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh

Năm 2021, theo đánh giá của Chính phủ thì đất nước gặp những khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, bệnh COVID-19 kéo dài bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân, nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu vẫn được hoàn thành.

Dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra: tốc độ tăng trưởng GDP (ước 3 – 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%); GDP bình quân đầu người (3.660 – 3.680 USD so với mục tiêu khoảng 3.700 USD); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng (ước 32% so với mục tiêu khoảng 44 – 47%); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (ước khoảng 0,5-1 điểm phần trăm so với mục tiêu 1 – 1,5 điểm phần trăm).

Những hạn chế, khó khăn được nêu tại báo cáo là kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc trong khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, ước nhập siêu cả năm khoảng 02 tỷ USD; xuất, nhập khẩu vẫn còn phụ thuộc vào một số ít thị trường và khu vực FDI; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm được khắc phục, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề; riêng trong quý III/2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch do không dự báo được sự nguy hiểm của biến thể Delta, tấn công vào khu đô thị lớn và các khu công nghiệp nên đã bị bất ngờ, rơi vào thế bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, một số cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân có lúc, có nơi vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tổ chức triển khai các giải pháp chưa thống nhất, chưa quyết liệt, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách; nóng vội khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch; chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán trong ban hành biện pháp phòng, chống dịch, gây bức xúc trong xã hội, nhất là quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, làm ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ.

Tiếp cận vắc-xin chậm hơn một số nước trên thế giới; việc mua vắc-xin chịu nhiều rủi ro do phải chấp nhận các điều kiện của nhà cung cấp. Năng lực y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người nhiễm COVID-19, nên xảy ra quá tải cục bộ dẫn đến số tử vong tăng trong giai đoạn ngắn. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ rất lớn. Hoạt động dạy và học trực tuyến còn bất cập.

“Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh dưới tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19; số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị tác động, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển sản xuất, chuyển đơn hàng tạm thời. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể vẫn ở mức khá cao. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng “, Chính phủ đánh giá.

Theo Chính phủ, dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân (Ảnh: Phòng chống dịch tại Bắc Ninh – Ảnh Duy Linh).

Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 90%

Xây dựng kế hoạch năm 2022, Chính phủ nhận định kinh nghiệm và khả năng ứng phó dịch bệnh được nâng lên nhưng dịch kéo dài đã bào mòn sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc hoàn thành bao phủ vắc-xin cuối năm 2021 hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh; trong khi đó thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ thường trực.

Trong kế hoạch năm sau có 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 – 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27 – 27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92%…

Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên đươc nêu tại kế hoạch là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; hỗ trợ phù hợp để đưa lao động trở lại làm việc.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật tài chính, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngay từ khâu dự toán, nhất là chi thường xuyên; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quản lý hóa đơn điện tử, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn NSNN cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt tình hình phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Chính phủ cũng xác định năm sau sẽ thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 90%; hoàn thành phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; phấn đấu xử lý ít nhất 2 ngân hàng thương mại yếu kém và 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích