Xã Thanh Bình (Mỹ Đức- Hà Nội): Buông lỏng quản lý đất nông nghiệp, ai chịu trách nhiệm?
Xã Thanh Bình (Mỹ Đức- Hà Nội): Buông lỏng quản lý đất nông nghiệp, ai chịu trách nhiệm?
Theo dõi MTĐT trên
Hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công diễn ra một cách công khai… nhưng không được chính quyền xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội xử lý khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Những năm qua, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến trên các địa bàn xã, phường của thành phố Hà Nội, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh, tới quy hoạch, mục đích sử dụng đất nông nghiệp, quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường, trực tiếp tác động xấu đến công tác chính trị, xã hội và gây bức xúc trong nhân dân…
Để khắc phục tình trạng đó, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội, tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại nhiều quận, huyện cũng đã dần được kiểm soát, đẩy lùi.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tại xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội tình trạng này lại đang có dấu hiệu bùng phát và có nguy cơ trở thành một “vấn nạn”.
Thực tế khảo sát và ghi nhận ý kiến người dân của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tại thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Hầu hết các công trình trên đều xây dựng kiên cố (có công trình xây dựng nhiều tầng) trên đất nông nghiệp một cách công khai, nằm ở những trục đường chính của xã nhưng chính quyền và lực lượng chức năng không hề xử lý:
Điển hình như hộ gia đình ông Lưu Hữu Dương: Công trình xây dựng trang trại chăn nuôi trái phép trên đất nông nghiệp nhiều năm tồn tại nhưng chính quyền ” ngó lơ” không xử lý khiến dư luận bức xúc.
Hộ gia đình ông Trịnh Bá Thành: Ngang nhiên xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp và lấn chiến cả lối đi chung, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động canh tác và trồng trọt của người dân gần đó… Nhưng chính quyền xã Thanh Bình cũng không xử lý, mặc cho người dân có kêu gào ý kiến.
Rồi hộ gia đình bà Lê Thị Hương-Hồng: Sau khi mua gom đất ruộng của dân tại khu đất mới thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình… thì tự ý xây tường bao lấn chiếm và bịt kín cả lối đi chung của các hộ dân, gây cản trở việc đi lại chăm sóc mồ mả, ruộng nương tại đó… Khiến người dân vô cùng bức xúc, đã tổ chức nhiều lần kiến nghị lên UBND nhân dân xã Thanh Bình nhưng đến nay đều không được xử lý giải quyết.
Còn công trình nhà ông bà Lan Hải tại đình làng thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình: Thì xây nhà trái quy định, ngang nhiên lấn chiếm cả phần bến nước sân đình chung của làng gây bức xúc trong dư luận, người dân và đại diện cả hội người cao tuổi đã có đơn kiến nghị gửi tới chính quyền xã Thanh Bình nhiều lần nhưng xã cũng không xử lý, mà để mặc cho vi phạm tồn tại và xây dựng hoàn thiện công trình nhà ở kiên cố… khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ngoài ra PV Môi trường và Đô thị Việt Nam còn thực tế ghi nhận hàng loạt tình trạng xây dựng trái phép và vận chuyển chất thải thừa trong xây dựng (trạc vữa, vôi, gạch, đất đá…) vô tư san lấp công khai hàng nghìn m2 đất nông nghiệp mà không sợ bất kỳ ai xử lý tại địa bàn thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Câu hỏi mà người dân đặt ra là tại sao những công trình này lại vi phạm một cách công khai và nghiễm nhiên tồn tại bất chấp các quy định pháp luật như vậy mà lại không bị chính quyền địa phương xử lý ?
Để làm rõ những nội dung trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đặt lịch, liên hệ làm việc với UBND xã Thanh Bình. Qua buổi tiếp xúc trao đổi thông tin và làm việc với PV, ông Lưu Hữu Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho hay: “Tạo điều kiện là mình sai rồi, buông lỏng là mình quản lý chưa sát sao, nhưng lực lượng cán bộ mỏng, anh em địa chính trước chỉ có một đồng chí suốt ngày làm báo cáo phụ thuộc vào các đồng chí trật tự xây dựng cơ sở thôn báo về, nên khi phát hiện ra thì có những trường hợp làm nhà mất rồi.Trước khi có ý kiến của báo chí thì xã đã cho phát lên đài truyền thanh của xã Thanh Bình rồi. Nghiêm cấm bắt đầu từ ngày 01/01/2022, toàn bộ các hộ xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công ích… Xử lý kiên quyết. Và những hộ đang là vi phạm thì UBND xã sẽ tiếp tục báo cáo UBND huyện để có hình thích xử lý”.
PV đặt câu hỏi: Xã Thanh Bình đã ra thông báo kiên quyết xử lý nghiêm các hộ vi phạm xây dựng trái quy định trên đất nông nghiệp từ ngày 01/01/2022, sao vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại và không được xử lý mà còn phát sinh thêm công trình mới? Trách nhiệm thuộc về ai? Lãnh đạo xã Thanh Bình sẽ xử lý những công trình này như thế nào? PV xin được cung cấp hồ sơ xử lý vi phạm của các hộ trên?
Thì ông Lưu Hữu Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình khẳng định: “…..Khi người dân không có ý kiến thì cái đấy thật ra cũng là do UBND xã vẫn tạo điều kiện cho một số hộ người ta có đất, có nguồn gốc rõ ràng, người ta xây lên vài hàng gạch người ta chăn con bò, con vịt là cũng có chứ không phải không. Thế bây giờ kiên quyết không và xử lý nghiêm. Còn các hộ còn tồn tại thì tiếp tục xử lý”.
Còn về hồ sơ, ông Quyền-Phó Chủ tịch cùng đại diện địa chính xã chỉ cung cấp được cho PV duy nhất Biên bản làm việc ngày 20/9/2022 của UBND xã Thanh Bình về việc giải quyết đơn kiến nghị của Hội người cao tuổi thôn Trung Hoàng về việc hộ gia đình ông Lưu Quốc Hải và bà Lưu Thị Lan về việc xây dựng lấn chiếm khu giếng ngọc – khu đất tâm linh của thôn Trung Hoàng. Và Biên bản kiểm tra hiện trạng đất; Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của hộ gia đình ông Lưu Hữu Dương ngày 11/11/2020 nhưng đều chưa được xử lý dứt điểm.
Còn các hộ vi phạm khác, xã chưa cung cấp được với lý do địa chính cũ chuyển đi chưa bàn giao lại cho địa chính mới… Hẹn PV sẽ cung cấp thêm thông tin khi có kết quả xử lý.
Thế nhưng, nhiều ngày trôi qua PV cũng như tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam không nhận được bất cứ phản hồi nào từ chính quyền xã Thanh Bình. Nhiều lần liên hệ với ông Lưu Hữu Quyền, Phó Chủ tịch và ông Trần Bá Xiên – Chủ tịch UBND xã Thanh Bình đều bặt vô âm tín.
Trước thực trạng trên, đề nghị UBND huyện Chương Mỹ, UBND Thành phố Hà Nội cùng các Sở, ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời có hình thức xử lý vai trò trách nhiệm với những cá nhân, tập thể có liên quan khi để hàng loạt vi phạm ngang nhiên tồn tại, thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, tạo dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc…
Tháng 8/2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Chỉ thị số 44 CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, báo cáo đề xuất UBND thành phố có biện pháp, giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm các công trình xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất.
Theo nội dung Chỉ thị, đã nêu rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý. Để khắc phục những tồn tại này, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện một số nội dung như:
Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố.
Tham mưu, báo cáo đề xuất UBND Thành phố có biện pháp, giải pháp khắc phục, xử lý các công trình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền; Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tổng hợp danh sách các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất)…
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê danh sách các trường hợp người sử dụng đất đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất so với hồ sơ địa chính mà chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đề xuất UBND Thành phố các giải pháp, biện pháp khắc phục; Yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm khẩn trương nghiêm túc thực hiện hoàn thành việc khắc phục ngay đối với những tồn tại, vi phạm; xử lý nghiêm các chủ đầu tư chây ì, cố tình không thực hiện.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị