Xã Nam Tiến- Nam Trực: Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải tại nguồn

Xã Nam Tiến- Nam Trực: Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải tại nguồn

Theo An Khê/Phụ nữ Việt Nam –  Thứ tư, 22/02/2023 08:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nổi bật với những con đường làng cây xanh bóng mát, hoa nở bốn mùa. Những ụ rác hai bên đường giờ đây đã biến mất, trả lại con đường thôn sạch sẽ, phong quang.

tm-img-alt
Xử lý rác hữu cơ trong hố ủ rác tại xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định

Đó là nhờ hiệu quả của mô hình “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” mà nông dân xã Nam Tiến đã thực hiện từ năm 2022 đến nay.

Xã Nam Tiến nằm ở phía nam huyện Nam Trực, có tổng diện tích tự nhiên 962,1 ha, diện tích đất nông nghiệp 743,73 ha, toàn xã có 3.522 hộ với 10.398 nhân khẩu. Trước đây, trên địa bàn xã, lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn, trong đó chủ yếu là rác thải hữu cơ từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Xã đã thành lập tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, tổ chức tập trung rác thải tại các địa điểm quy định, vận chuyển tới lò đốt rác thải của xã để xử lý tập trung.

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải tại nguồn: Diện mạo nông thôn mới ngày càng sạch đẹp - Ảnh 1.
Ông Phạm Xuân Thiện (bìa trái) – Giám đốc Trung tâm môi trường nông thôn, TƯ Hội Nông dân Việt Nam – cùng đoàn công tác tham quan mô hình tại xã Nam Tiến huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định

Tuy nhiên, một số khu vực dân cư chưa chủ động phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, còn để chung rác vô cơ và rác hữu cơ dẫn tới làm giảm hiệu suất xử lý rác của lò đốt; lượng rác thải hữu cơ tập kết tại khu vực lò đốt phát sinh mùi hôi thối, thu hút nhiều côn trùng, động vật có hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải tại nguồn: Diện mạo nông thôn mới ngày càng sạch đẹp - Ảnh 2.
Hố ủ rác có nắp đậy của hộ ông Lê Văn Ly, Xóm 10 xã Nam Tiến

Tháng 5/2022, được sự hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” ở 12/12 xóm của xã với 335 hộ hội viên nông dân tham gia. Theo đó, 100% cán bộ, hội viên nông dân trong xã được tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường, kỹ thuật phân loại rác thải tại nguồn; 335 hộ đã được hỗ trợ 335 nắp đậy hố ủ rác thải hữu cơ và 1.005 gói chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ EMIC.

Mô hình được triển khai đã trang bị cho người dân thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy sản xuất an toàn và cải thiện môi trường sống của người dân trên địa bàn xã.

Từ khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, các hộ dân đã có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, thực hiện đúng theo kỹ thuật ủ rác hữu cơ. Qua đó tạo ra nguồn phân bón hữu cơ tơi xốp dùng để bón cho cây cảnh, các loại rau trong vườn nhà, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón. Cũng nhờ phân loại, xử lý rác thải tại nguồn mà lượng rác phải chở đi xử lý đã giảm đi đáng kể.

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải tại nguồn: Diện mạo nông thôn mới ngày càng sạch đẹp - Ảnh 3.
Trao nắp đậy hố ủ rác và chế phẩm vi sinh cho các hộ tham gia mô hình

Đến nay, theo đánh giá, mô hình đã đạt được hiệu quả tốt. Các hộ dân đã chủ động phân loại rác, tập kết các loại rác đúng nơi quy định, nắm vững quy trình kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình bằng phương pháp đào hố ủ có nắp đậy, 98% lượng rác thải sinh hoạt đã được phân loại, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên mô hình mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả của mô hình, vận động người dân chủ động đầu tư kinh phí để thực hiện. Hội cũng tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của mô hình, tiếp thu, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị để duy trì hiệu quả hoạt động của mô hình. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện để mô hình phát triển rộng rãi tới đông đảo người dân tham gia.

Có thể nói, mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tại xã Nam Tiến đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, làm cho diện mạo nông thôn mới ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích