WMO thành lập cơ chế giám sát khí nhà kính toàn cầu
WMO thành lập cơ chế giám sát khí nhà kính toàn cầu
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa qua đã công bố, 193 quốc gia đã nhất trí thông qua việc thành lập cơ chế giám sát khí nhà kính toàn cầu.
Quyết định mang tính bước ngoặt được đưa ra khi nồng độ khí nhà kính đang ở mức kỷ lục – “ cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 800.000 năm qua ”, WMO cảnh báo.
Cơ chế giám sát khí nhà kính toàn cầu mới sẽ kết hợp các dữ liệu từ Trái đất và từ không gian với mô hình hóa, để lấp đầy các khoảng trống thông tin quan trọng. Nó sẽ được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của WMO trong việc điều phối hợp tác quốc tế về dự báo thời tiết.
Cơ quan này cho biết việc trao đổi dữ liệu sẽ “miễn phí và không hạn chế”, nhằm hỗ trợ cho Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo WMO, từ năm 1990 đến năm 2021, hiệu ứng nóng lên đối với khí hậu của chúng ta từ các loại khí nhà kính chính, carbon dioxide, metan và nitrous oxide, đã tăng gần 50%.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Từ các phép đo của chúng tôi, chúng tôi biết rằng nồng độ khí nhà kính đang ở mức kỷ lục. Mức tăng nồng độ carbon dioxide từ năm 2020 đến năm 2021 cao hơn tốc độ tăng trung bình trong thập kỷ qua và khí mê-tan chứng kiến mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái kể từ khi các phép đo bắt đầu”.
Ông Taalas cho biết: “Nhưng vẫn còn những điều không chắc chắn, đặc biệt là về vai trò trong chu trình carbon của đại dương, sinh quyển trên đất liền và các khu vực băng vĩnh cửu. Do đó, chúng ta cần thực hiện cơ chế giám sát khí nhà kính trong khuôn khổ Hệ thống Trái đất tích hợp để có thể tính toán các nguồn và lượng chìm tự nhiên, cả khi chúng hiện đang hoạt động và khi chúng sẽ thay đổi do khí hậu thay đổi. Điều này sẽ cung cấp thông tin quan trọng và hỗ trợ cho việc thực hiện Thỏa thuận Paris”.
Lars Peter Riishojgaard, Phó Giám đốc Cơ sở hạ tầng của WMO, cho biết: “quyết định của cơ quan thời tiết Liên Hợp Quốc về giảm thiểu biến đổi khí hậu là một bước đi lịch sử. Giám sát khí nhà kính toàn cầu được phối hợp quốc tế mở cho tất cả mọi người và hoạt động theo chính sách trao đổi dữ liệu tự do và không hạn chế của WMO, sẽ cung cấp thông tin có giá trị, kịp thời và có thẩm quyền về các dòng khí nhà kính cho các Bên của UNFCCC (Ban thư ký công ước về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc), cơ quan này sẽ giúp họ trong nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị