WHO cảnh báo về tình trạng thiếu hụt thuốc giải độc rắn cắn
WHO cảnh báo về tình trạng thiếu hụt thuốc giải độc rắn cắn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo ngại tình trạng thiếu huyết thanh, khi cho biết cứ mỗi 4-6 phút trên thế giới lại có một người chết do rắn cắn.
Ngày 17/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng tình trạng rắn cắn, vốn cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người mỗi năm, đang trở nên nghiêm trọng hơn do lũ lụt liên quan đến biến đổi khí hậu ở những quốc gia có ít thuốc giải độc.
Theo thống kê của WHO, mỗi năm có tới 2,7 triệu người bị rắn độc cắn, trong đó tỷ lệ tử vong lên tới 138.000 trường hợp. Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng 240.000 người bị tàn tật vĩnh viễn do bị rắn cắn.
Nọc rắn có thể gây ra tình trạng tê liệt, ngừng thở, rối loạn chảy máu dẫn đến xuất huyết tử vong, suy thận không hồi phục, tổn thương mô, thậm chí gây tàn tật vĩnh viễn và mất chi. Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn sống ở các vùng nhiệt đới và tại các nước nghèo nhất thế giới, trong đó trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Chuyên gia David Williams từ WHO cảnh báo, một số khu vực trên thế giới không có đủ phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả dành cho những người bị rắn cắn. Ví dụ, khu vực châu Phi cận Sahara chỉ có thể tiếp cận khoảng 2,5% các phương pháp điều trị mà họ ước tính cần.
Ông Williams cho biết Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, với khoảng 58.000 người tử vong do rắn cắn mỗi năm. Các nước láng giềng như Bangladesh và Pakistan cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.
Theo ông Williams, tác động của biến đổi khí hậu đang làm tình hình trở nên tồi tệ hơn ở một số nơi, đặc biệt là trong điều kiện lũ lụt có thể dẫn đến việc gia tăng số ca bị rắn cắn. Nigeria đang đối mặt với tình trạng thiếu thuốc giải độc rắn nghiêm trọng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều trường hợp rắn cắn do lũ lụt. Vấn đề này cũng xuất hiện ở nhiều khu vực khác trên thế giới, nơi các thảm họa như lũ lụt ngày càng phổ biến như Pakistan, Myanmar, Bangladesh và Nam Sudan.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết một số công ty đã ngừng sản xuất thuốc giải độc do rắn cắn từ những năm 1980, gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng ở châu Phi và một số quốc gia châu Á.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị