WHO cảnh báo gia tăng tình trạng thanh thiếu niên nghiện mạng xã hội

Theo WHO khu vực châu Âu, cụm từ “có vấn đề” được sử dụng khi những người trẻ tuổi có “các triệu chứng giống như nghiện.”. WHO cảnh báo hơn 10% số thanh thiếu niên có “nguy cơ chơi trò chơi điện tử có vấn đề.” Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge, khuyến nghị cần hành động ngay lập tức để giúp thanh thiếu niên thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội – vốn đã được chứng minh có thể dẫn đến trầm cảm, bắt nạt, lo lắng và kết quả học tập kém.

Dữ liệu thống kê của WHO trong năm 2022 đối với 280.000 người trong độ tuổi 11, 13 và 15 từ 44 quốc gia ở châu Âu, Trung Á và Canada cho thấy 11% số thanh thiếu niên có dấu hiệu sử dụng mạng xã hội “có vấn đề”, tăng so với chỉ 7% của 4 năm trước đó. Khảo sát cho thấy hơn 30% thanh thiếu niên chơi trò chơi trực tuyến hằng ngày và 22% trong số đó chơi ít nhất 4 giờ. 12% số thanh thiếu niên có nguy cơ “nghiện” cờ bạc.

WHO khu vực châu Âu kêu gọi các nước thúc đẩy đưa kiến thức số vào trường học, tăng cường các dịch vụ sức khỏe tâm thần cũng như đào tạo giáo viên và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời thực thi trách nhiệm giải trình đối với nhà cung cấp phương tiện truyền thông xã hội.

Ảnh minh họa.

Tồn tại nhiều mặt trái của mạng xã hội tại Việt Nam

Cụ thể hóa những mặt trái của mạng xã hội tại Việt Nam, theo khảo sát của chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét dẫn đến có lối ứng xử vô văn hóa của người sử dụng mạng xã hội thể hiện tập trung ở những hành vi: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%).

Đặc biệt, mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Môi trường này cũng đang tồn tại rất nhiều những hội cuồng tín, phản động, tội phạm… sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho mục đích xấu, như bôi xấu hình ảnh cá nhân, tổ chức hoặc can thiệp công việc nội bộ của quốc gia….

Ngoài ra, một hệ lụy khác của mạng xã hội cũng gây đau đầu cho nhà trường và nhiều bậc cha mẹ. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến là 36,5%. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, học sinh bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội Facebook, tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Viber; các trang chia sẻ hình ảnh, video clip qua YouTube, Instagram. Các hành vi bắt nạt trực tuyến là gửi bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn…

Sức hấp dẫn không giới hạn của mạng xã hội được nhiều người ví như bể bơi vô cực, tưởng đơn giản, dễ kiểm soát nhưng hoàn toàn có thể nhấn chìm những người chủ quan, không có kỹ năng đối phó.

Theo PGS. TS Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cái mà chúng ta gọi là nghiện internet ở đây chính là đời sống ảo, nó giúp nhiều người thăng hoa trong thế giới ảo nhưng lại hủy hoại về thể chất, tinh thần của họ trong đời sống thực. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Cũng theo chuyên gia, việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe và rối loạn tâm lý. Cảm giác căng thẳng và lo lắng thường xuất hiện do áp lực so sánh bản thân với người khác trên mạng xã hội. Ngồi quá lâu trước màn hình điện thoại hoặc máy tính có thể gây đau cơ và các vấn đề về thị lực, giấc ngủ. Việc thiếu vận động này có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề liên quan đến cơ bắp, xương khớp, như hội chứng ống cổ tay. Nghiện mạng xã hội cũng có thể gây rối loạn sinh hoạt và dinh dưỡng do thay đổi thói quen ăn uống, dẫn đến suy nhược cơ thể.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, nghiện mạng xã hội còn có thể gây ra vấn đề trong quan hệ xã hội. Mất đi sự tập trung và thời gian dành cho mối quan hệ cá nhân, gia đình, có thể dẫn đến mất gắn kết và tương tác xã hội trực tiếp, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển vấn đề tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu.

Cho dù đã có giải pháp nhằm định danh trên mạng xã hội, nhưng môi trường “ảo” này vẫn mang đến sự tự do ngôn luận thái quá, dẫn đến sự xuất hiện của những “anh hùng bàn phím”. Người ta thoải mái chê bai, thậm chí là sỉ nhục danh dự cá nhân, tổ chức mà không chịu sự kiểm soát, can thiệp kịp thời. Trong khi đó, các thông tin cá nhân cũng dễ dàng bị công bố mà không cần quan tâm tới bản quyền hay ý kiến của chủ nhân. Việc bị ăn cắp thông tin cá nhân là mối nguy hiểm thực sự qua hình thức phát tán thông tin không hạn chế trên mạng xã hội.

Khánh Mai (t/h) 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích