Vyborg – thành phố cổ phong cách Thụy Điển trong lòng nước Nga
Vyborg là thành phố cổ thuộc tỉnh Leningrad, nằm cách thủ đô phương Bắc St. Petersburg của Nga khoảng 2 tiếng lái xe ôtô (140km) và cách biên giới Phần Lan chỉ 30-50km.
Tượng đài Đô đốc-Đại tướng Fyodor Apraksin. Ảnh: TTXVN tại Nga |
Được người Thụy Điển xây dựng trong một trong những cuộc thập tự chinh cuối cùng thời Trung cổ và trải qua nhiều lần đổi chủ, Vyborg thấm đẫm văn hóa và lịch sử của ba nước Thụy Điển, Nga và Phần Lan với tổng cộng hơn 300 di tích kiến trúc, lịch sử, điêu khắc, khảo cổ học, nghệ thuật làm vườn khác nhau. Thời kỳ Liên Xô trước đây, Vyborg là thành phố cấm vì có tầm quan trọng về quân sự.
Về địa lý, Vyborg nằm Đông Bắc của Vịnh Phần Lan, một hải cảng trên biển Baltic, ngã ba quan trọng giao cắt giữa đường quốc lộ và đường sắt. Vyborg từng là tiền đồn tin cậy phục vụ cho sự mở mang của Thụy Điển trên eo đất Karelia nằm giữa giữa Vịnh Phần Lan và hồ Ladoga, và từng là pháo đài bất khả xâm phạm. Chỉ đến năm 1710, quân đội và hải quân Nga mới chiếm được thành phố, và theo Hiệp ước Hòa bình Nishtadt năm 1721, Vyborg chính thức trở thành một phần của Đế chế Nga.
Công viên đá cảnh quan Mon Repos. Ảnh: TTXVN tại Nga |
Chuyến thăm của chúng tôi tới Vyborg bắt đầu từ Công viên đá cảnh quan Mon Repos nằm bên bờ Vịnh Vyborg, trên Đảo Tverdysh ở phía Bắc thành phố. Đây là một vườn cây ăn quả trồng từ giữa thế kỷ 18 nằm trên những phiến đá nham thạch vươn ra sát mặt nước, tạo nên khung cảnh nên thơ, lãn mạn và huyền bí. Năm 1760, vùng đất Lille Ladugord được cha truyền con nối cho người chỉ huy pháo đài Vyborg, Piotr Stupishin (1718-1782). Đến năm 1770, ông xây dựng nhà nghỉ ngoại ô ở đây và bắt tay vào việc tạo ra một công viên, mà ông đặt tên là Charlottental để tưởng nhớ vợ mình.
Sau cái chết của Stupishin, điền trang trong một thời gian ngắn (1784-1787) thuộc về Tổng đốc Vyborg, Hoàng tử Friedrich Wilhelm Karl của Württemberg, anh trai Đại công tước Maria Feodorovna, vợ Sa hoàng Pavel I. Hoàng tử Württemberg đã đặt tên cho điền trang là Mon Repos (bình yên của tôi). Các kiến trúc sư, nhà điêu khắc và nghệ sĩ từ nhiều nơi khác nhau của châu Âu đã tạo ra khu cảnh quan để ngày nay, Mon Repos là khu bảo tồn độc đáo và là một trong những công viên cảnh quan đẹp nhất ở Nga.
Pháo đài Vyborg, được xây dựng trên một hòn đảo nhỏ vào cuối thế kỷ 13 (1293) là một lâu đài cổ là bằng đá cổ kính nổi bật từ xa trên nền trời. Dù đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng đây là một ví dụ được bảo tồn tốt của một pháo đài Tây Âu. Trong pháo đài có bảo tàng với rất nhiều hiện vật kể về lịch sử Vyborg cũng như thiên nhiên của eo đất Karelia. Từ đài quan sát trên Tháp St. Olaf, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh thành phố cổ tuyệt đẹp nhất. Cách pháo đài không xa là Tượng đài Đô đốc-Đại tướng Fyodor Apraksin nằm trên Quảng trường Piotr, ở lối vào Cầu Pháo đài.
Apraksin đã cùng Sa hoàng Piotr Đại đế chỉ huy trận đánh chiếm thành phố Vyborg. Tượng đài được khánh thành ngày 19/6/2010, đúng vào lễ kỷ niệm 300 năm ngày quân Nga chiếm Vyborg. Bá tước Apraksin đã được trao tặng Huân chương Thánh Andrev nhờ chiến thắng này, dù trong lịch sử ông nổi tiếng là một chỉ huy do dự. Piotr Đại đế đã điều toàn bộ hạm đội của Nga tới tham gia cuộc tấn công chiếm thành phố bởi một khi làm chủ thành phố này, nguy cơ Thụy Điển có thể tấn công thủ đô mới St. Petersburg của Đế chế Nga sẽ không cò. Đây cũng là tượng đài duy nhất được dựng để vinh danh Fyodor Apraksin.
Tòa thị chính cổ. Ảnh: TTXVN tại Nga |
Từ pháo đài Vyborg nhìn về phía thành phố là Tòa thị chính cổ được xây dựng thế kỷ XVII, nằm trên quảng trường trung tâm của Vyborg. Trong trận chiến Nga-Thụy Điển, tòa thị chính bị hư hại nặng do pháo kích. Ngày nay, Tòa thị chính cổ được đưa vào danh sách di sản văn hóa. Đầu thế kỷ 20, tượng đài Torgils Knutsson, người sáng lập ra Pháo đài Vyborg, đã được dựng trên Quảng trường trước Tòa thị chính.
Tác phẩm điêu khắc mang đặc phong cách Thụy Điển này chỉ tồn tại trong 4 thế kỷ – vào thời Liên Xô, nó bị tháo dỡ, cất trong tầng hầm một trong những tòa nhà ven biển và bị lãng quên 30 năm. Tuy nhiên sau đó di tích đã được khôi phục bằng tiền từ thiện và một lần nữa được đặt ở vị trí của nó trên Quảng trường Tòa thị chính.
Phố Vodnaya Zastava. Ảnh: TTXVN tại Nga |
Đi qua Quảng trường Tòa thị chính, bạn có thể rảo bước trên con phố cố lát đá đặc trưng của châu Âu dài nhất Vyborg – Phố Pháo đài. Cắt ngang con phố dài nhất này có một con phố cổ được xem là đẹp nhất của Vyborg, đó là Phố Vodnaya Zastava. Sở dĩ con phố được xem là đẹp nhất vì một đầu phố trông thẳng ra Tháp Đồng hồ – tháp chuông trước đây của nhà thờ đã bị phá hủy trong chiến tranh Liên Xô-Phần Lan.
Tòa nhà hai tầng này bị cháy nhiều lần và chỉ còn giữ lại được tầng thấp nhất làm bằng đá từ thế kỷ 15. Tháp Đồng hồ, cùng với Pháo đài Vyborg, được coi là một trong những biểu tượng chính của thành phố. Bên cạnh Tháp Đồng hồ, Nhà thờ chính (Cathedral) cũng xây dựng vào thế kỷ 15, hiện chỉ còn là đống đổ nát. Nhà thờ này từng hoạt động như Nhà thờ của Thiên chúa giáo, Chính thống giáo, và Luther.
Ở Vyborg còn bảo tồn được 2 ngôi nhà cổ làm bằng đá từ thời Trung cổ. Một ngôi nhà được sử dụng làm “câu lạc bộ” cho hội thương nhân Vyborg. Nhà có 2 tầng. Qua nhiều thế kỷ, tầng dưới đã lún xuống lòng đất, biến thành tầng hầm. Hiện trong thành phố cũng chỉ còn 3 công trình của pháo đài Vyborg cổ trước kia. Đó là Tháp Tòa thị chính, Tháp Tròn và Thành lũy Panzerlaks.
Tháp Tòa thị chính là tháp cổ nhất còn sót lại. Nó được xây dựng vào thế kỷ 15, thực hiện chức năng phòng thủ cho đến khi bức tường bao quanh pháo đài được mở rộng. Tháp đã được trùng tu nhiều lần song diện mạo hiện nay của nó gần như trùng khớp với diện mạo của nó vào thế kỷ 18.
Tháp Tròn là một những công sự bảo vệ thành phố Vyborg trước những cuộc tấn công trong quá khứ. Ảnh: TTXVN tại Nga |
Tháp Tròn được xây dựng sau Tháp Tòa thị chính một chút, vào giữa thế kỷ 16. Tháp Tròn mất mục đích quân sự năm 1710, khi Vyborg bị quân Nga chinh phục. Kể từ đó, nó cũng đã nhiều lần thay đổi mục đích: vừa là nhà kho vừa là nhà tù, đến thế kỷ 20 nó có nguy cơ bị phá bỏ. Tuy nhiên kiến trúc sư trưởng lúc đó của Vyborg, Uno Ulberg, đã đứng ra bảo vệ và nhờ đó tòa tháp tiếp tục tồn tại. Năm 1922, một nhà hàng được mở tại đây và hiện vẫn đang hoạt động. Trong Tháp Tròn ta có thể nghiên cứu bản đồ của thành phố cổ Vyborg.
Thành lũy Panzerlaks là công trình phòng thủ cuối cùng còn sót lại của bức tường pháo đài. Cũng giống như hai tòa tháp, sau khi mất đi ý nghĩa quân sự, nó được sử dụng cho các nhu cầu của thành phố. Vào những năm 80 của thế kỷ trước công trình này biến thành quán cà phê hợp tác đầu tiên có cùng tên gọi.
Cạnh Tháp Tròn là Chợ Vyborg với tháp đồng hồ được xây dựng đầu thế kỷ 20. Đây từng là khu chợ lớn nhất vùng Scandinavia. Tòa nhà đã bị hư hại nặng trong chiến tranh Liên Xô-Phần Lan. Trong quá trình trùng tu, hầu hết các yếu tố độc đáo đã không thể khôi phục. Tuy nhiên Chợ Vyborg vẫn thực hiện chức năng của nó cho đến tận ngày nay.
Toa xe điện cổ trên Quảng trường Teatralnaya. Ảnh: TTXVN tại Nga |
Trong thành phố, bạn còn có thể thưởng thức cà phê trong một toa xe điện cổ màu vàng trên Quảng trường Teatralnaya, và ngắm hai bức tượng khắc họa người lái tàu và em bé trốn vé nhằm để tôn vinh kỷ nguyên xe điện trong thành phố. Khoảng thời gian tàu điện hoạt động ở Vyborg không quá lâu – khoảng 45 năm, tuy nhiên nó cho thấy một giai đoạn rực rỡ của trung tâm văn hóa-xã hội và công nghiệp này.
Nguồn: Báo xây dựng