Vùng xanh nông nghiệp tập trung sản xuất đảm bảo chuỗi cung ứng cho cả thành phố

Hăng say sản xuất, mở rộng vùng xanh trên đồng ruộng

Nhanh tay thực hiện các thao tác thu hoạch rau trên mảnh ruộng rộng 800 m2, anh Đặng Văn Thành (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cho biết, khi được biết huyện Đan Phượng được Thành phố quy định là Phân vùng 3 (vùng xanh), anh Thành rất mừng. Trong suốt thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều hộ nông dân lo lắng bị đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, cùng với đó là đầu ra hạn chế, nếu sản xuất nhiều sẽ không tiêu thụ hết. Chính vì vậy, khi biết mình ở “vùng xanh”, được Hội Nông dân huyện hướng dẫn, chỉ đạo tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh đảm bảo cung ứng đủ rau xanh trong huyện và cung ứng cho các vùng đỏ, vùng cam, anh Thành đã ngay lập tức khôi phục sản xuất, thu hoạch và tái sản xuất nhiều loại rau màu.

“Chúng tôi nhận được chỉ đạo, vừa tăng cường sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đặc biệt là phải giữ vững vùng xanh để góp phần cho Hà Nội sớm trở lại bình thường”, anh Thành phấn khởi.

Vùng xanh nông nghiệp tập trung sản xuất đảm bảo chuỗi cung ứng cho cả thành phố
Nông dân Đan Phượng thu hoạch rau màu trên đồng ruộng, chuẩn bị trồng vụ mới.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thiều Văn Son – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, kể từ khi Hà Nội ra Chỉ thị 20, từ ngày 6/9 đến nay, các vùng nông nghiệp của Đan Phượng đang tích cực sản xuất nông nghiệp cung cấp ra thị trường. Diện tích thu hoạch rau củ quả từ 6/9 là 177,5ha với 1.150 tấn; thu hoạch trái cây trên diện tích 79,5ha với 1.132 tấn hoa quả. Ngoài ra, các hộ nông dân vẫn đang tiếp tục sản xuất cung cấp thịt lợn, bò, thịt gia cầm, trứng, thủy sản… để nhằm cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu tới người tiêu dùng trong huyện và trên toàn thành phố.

“Hiện nay, Hội đang đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân khắc phục khó khăn tổ chức sản xuất, nhất là các sản phẩm rau, màu, củ, quả, lương thực, thực phẩm, kinh doanh, dịch vụ và thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh; tập trung hướng dẫn xây dựng, nhân rộng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả; vận động hội viên, nông dân thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nâng cao tinh thần trách nhiệm, tương trợ giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân, nhất là các hộ nghèo, khó khăn ở địa phương” ông Thiều Văn Son cho biết.

Vùng xanh nông nghiệp tập trung sản xuất đảm bảo chuỗi cung ứng cho cả thành phố
Cung cấp rau cho “vùng đỏ” chống dịch.

Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng chủ trì tham mưu đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân, công tác hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhân rộng mô hình các điểm bán hàng, cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân, nhất là các cửa hàng do Hội Nông dân trực tiếp xây dựng và hỗ trợ hoạt động. Chủ động tăng cường phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân về kỹ thuật, giống, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác theo hình thức trả chậm không tính lãi và hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm để giúp hội viên, nông dân khôi phục, duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Theo sự chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân huyện, hội nông dân các xã, thị trấn đã bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội cho hội viên, nông dân; đặc biệt là chủ động trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thực hiện đúng cơ chế vận hành phòng, chống dịch theo phương án phân vùng địa bàn do Thành phố, huyện quy định.

“Nông dân là lực lượng chủ chốt trong cung cấp lương thực, thực phẩm đến với người dân trong huyện cũng như thành phố Hà Nội, chính vì vậy, Hội đã thực hiện các biện pháp kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giúp bà con tiêu thụ nông sản, đồng thời cung ứng được các mặt hàng lương thực đến với các vùng không sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục huy động bà con tiếp tục gia tăng sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Phối hợp các HTX, doanh nghiệp tiếp tục kết nối cung cấp sản phẩm nông nghiệp tới các vùng đỏ của Thành phố”, ông Thiều Văn Son nhấn mạnh.

Vùng xanh nông nghiệp tập trung sản xuất đảm bảo chuỗi cung ứng cho cả thành phố
Lực lượng chủ chốt cung ứng nông sản.

Cùng với các huyện “Vùng xanh” trên toàn Thành phố, Ba Vì cũng là một huyện có sản lượng lúa chất lượng cao lớn cung cấp trên địa bàn. Để đảm bảo việc thu hoạch lúa mùa kịp thời vụ trong điều kiện giãn cách xã hội, Uỷ ban nhân dân huyện Ba Vì đã chỉ đạo các ngành, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn kiểm tra, dự kiến chính xác thời điểm, diện tích thu hoạch lúa mùa trên địa bàn. Cân đối số lượng, công suất máy để có phương án chủ động thu hoạch lúa nhanh gọn, kịp thời vụ. Giao cho đầu mối là Hợp tác xã, Hội Nông dân, cán bộ thôn… liên hệ với tổ, đội, cá nhân có máy thu hoạch tại xã, thị trấn trên địa bàn huyện để phối hợp liên kết để thu họach lúa mùa cả về đơn giá, thời gian phục vụ. Huy động mọi phương tiện, lực lượng hỗ trợ nhân dân vận chuyển, thu hoạch lúa mùa. Trong quá trình thu hoạch phải đảm bảo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các quy định phòng chống dịch.

Vụ lúa mùa năm nay, toàn huyện đảm bảo thu hoạch được mùa, càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp thêm nguồn lực để người dân an tâm phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn khi mà dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai kịp thời sản xuất vụ đông năm 2021 với quan điểm đa cây, đa thời vụ, né tránh thời tiết bất lợi. Phấn đấu đạt cả diện tích, năng suất, sản lượng.

Anh Trần Văn Thanh (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Được Thành phố chỉ định là “Phân vùng 3”, tâm trạng của người nông dân rất phấn khởi. Trước đây trên địa bàn huyện công việc làm nông cũng vẫn diễn ra theo đúng mùa vụ, nhưng cũng khá lo lắng bởi diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay được biết Ủy ban nhân dân huyện đang tạo mọi điều kiện cần thiết để nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa, chúng tôi rất phấn khởi, hăng say sản xuất kinh doanh để cung ứng nông sản, góp phần chung tay chống dịch, nhất là việc hỗ trợ người dân “vùng đỏ””.

Cùng với các biện pháp thu hoạch lúa cho nhà nông, huyện Ba Vì còn tăng cường công tác kết nối, tiêu thụ nông sản cho nhân dân. Thông qua các kênh mạng xã hội, qua các hội, đoàn thể ở cơ sở, các hội đã chủ động trong tuyên truyền, hướng dẫn tiêu thụ nông sản cho nhân dân trong đại dịch Covid-19. Hội Nông dân huyện đã kết nối, tiêu thụ nông sản là hơn 40 nghìn kg rau, củ, quả; 350 kg gạo, gần 46 nghìn kg nhãn, hơn 7.000 kg gà, thịt ếch, vịt; hơn 72 nghìn kg Măng; 151 nghìn trứng chim cút, hơn 31 quả trứng gà và hơn 25.000kg hoa, quả các loại.

Vùng xanh nông nghiệp tập trung sản xuất đảm bảo chuỗi cung ứng cho cả thành phố
Hoa quả luôn dồi dào.

Tại Sơn Tây, Ủy ban nhân dân thị xã cũng đã chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 của Thành phố, giao Phòng Kinh tế huyện kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch trong sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo, duy trì sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, các hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm nuôi trồng thủy sản, công tác thu hoạch nông sản, năng lực cung ứng nông thủy sản cho thị xã. Chủ động rà soát các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, điểm tập kết hàng hóa lưu động trên địa bàn khi có tình huống xảy ra. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trên hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh hàng hóa thiết yếu an toàn.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp “vùng xanh”

Ngày 3/9/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều địa phương thuộc “vùng xanh” đã có kế hoạch, hướng dẫn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại để khôi phục kinh tế, tăng chuỗi cung ứng cho các “vùng đỏ” chống dịch và cung ứng trên toàn Thành phố. Theo đó, các chuỗi sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phát huy tác dụng, giúp người nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang nỗ lực tổ chức sản xuất tại các “vùng xanh” đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng ra thị trường, nhất là từ nay cho đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tăng cao. Ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã hướng dẫn người dân xây dựng “vùng xanh”, bảo đảm hoạt động sản xuất.

Trong vụ đông sắp tới, Hà Nội sẽ gieo trồng 12.932ha; đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm với khoảng từ 500-600ha. Về chăn nuôi, Hà Nội duy trì đàn bò 164.000 con, đàn gia cầm 40 triệu con; tiếp tục phát triển đàn lợn lên 1,8 triệu con; đồng thời, tăng diện tích sản xuất thủy sản để đạt sản lượng 120.000 tấn/năm.

Vùng xanh nông nghiệp tập trung sản xuất đảm bảo chuỗi cung ứng cho cả thành phố
Rau màu chờ thu hoạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội nắm bắt tình hình sản xuất, xây dựng phương án về cung-cầu nông sản, tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, bảo đảm cung ứng kịp thời cho thị trường. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp xây dựng “vùng xanh” cho nông sản, duy trì tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát nhu cầu thị trường, giá vật tư nông nghiệp để kịp thời triển khai các giải pháp không để tăng giá đột biến.Ngoài ra, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã… điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19; chủ động cung ứng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân; đồng thời chú trọng đến xây dựng “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các loại nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch và thời gian bảo quản ngắn.

Hiện nay, Thành phố đã xây dựng được tổng số 141 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản. Không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 15-20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc nông sản có xuất xứ, nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích