Vùng Đông Nam Bộ tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc
Nội dung trên tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết là phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị.
Cụ thể, phát triển khoa học – công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng. Chủ động, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, sinh học, tự động hoá, vật liệu mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học – công nghệ, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Hình thành trung tâm nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế ở một số trường đại học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp khoa học – công nghệ hợp tác với doanh nghiệp để sớm chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.
Có cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm chủ lực. Phát triển và ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin; hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thông minh; xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin.
Kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP.HCM với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong vùng và cả nước.
Quan tâm phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông.
Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.HCM; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không đầu mối của khu vực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thuỷ chính của vùng; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM.
Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Tập trung xử lý căn bản ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, nhất là tắc nghẽn giao thông, ngập úng ở TP.HCM.
Đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn l
Đến năm 2026 hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Phấn đấu đến năm 2030: Hoàn thành đường vành đai 4 TP.HCM; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt như Biên Hoà – Vũng Tàu, TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành, Dầu Giây – Liên Khương, Gò Dầu – Xa Mát, Chơn Thành – Đức Hoà, Chơn Thành – Gia Nghĩa; nâng cấp, mở rộng hệ thống cao tốc quốc lộ: TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Quốc lộ 20B).
Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM. Đẩy nhanh, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hoá Biên Hoà – Vũng Tàu kết nối với Cảng biển Cái Mép – Thị Vải; TP.HCM – Cần Thơ.
Cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thuỷ nội địa; hình thành các cụm cảng phục vụ nhu cầu thu gom, giải toả hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng; tiếp tục phát triển, hiện đại hoá Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế; xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn, phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch; đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn l; đầu tư mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo; sớm khôi phục, nâng cấp cảng hàng không Biên Hoà – Vũng Tàu thành lưỡng dụng cấp 4E.
Thực hiện hiệu quả mô hình thành phố trực thuộc thành phố
Nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; thực hiện đồng bộ các chính sách giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh; thực hiện hiệu quả mô hình thành phố trực thuộc thành phố; phát triển các khu kinh tế gắn với các đô thị trọng điểm và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực.
Nghiên cứu chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp, khu chế xuất khi hết thời hạn sử dụng đất, không phù hợp với quy hoạch. Tập trung xây dựng nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp và lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng.
Phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – TP.HCM – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Hạn chế tăng thêm khu công nghiệp tại các khu vực đô thị trung tâm của vùng. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – dịch vụ – đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành và Khu liên hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ Bình Dương./.