Vùng Đông Nam bộ sẽ đẩy mạnh mô hình liên kết hợp tác, phát triển du lịch

(Xây dựng) – Ngày 22/12, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ với mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung.

Vùng Đông Nam bộ sẽ đẩy mạnh mô hình liên kết hợp tác, phát triển du lịch

Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020 – 2025 được lãnh đạo 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ ký kết vào năm 2020. Các tỉnh, thành luân phiên chủ trì sơ kết thực hiện thỏa thuận theo từng năm. Năm 2023, Bà Rịa – Vũng Tàu được giao nhiệm vụ chủ trì sơ kết vùng.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hàng năm, ngành Du lịch tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng bình quân hơn 12,9% năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm; sản phẩm du lịch không ngừng phát triển, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khách quốc tế và khách có chi tiêu cao đến với Bà Rịa – Vũng Tàu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, quản lý dự án đầu tư về du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ; tính tới nay, trên địa bàn tỉnh có 132 dự án (tổng diện tích là 2.966ha, tổng vốn đầu tư là 57.641 tỷ đồng và 8.927 triệu USD) bao gồm: 116 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó có 51 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với loại hình sản phẩm đa dạng và có tính đặc thù, phù hợp với thị trường du lịch quốc tế như: The Imperial, Sixsences Resort, The Grand – Hồ Tràm Strip, Pullman…

Các sự kiện văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử, danh thắng bước đầu được đầu tư, khai thác để trở thành những sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Môi trường du lịch được cải thiện rõ nét, tạo được ấn tượng, hình ảnh tốt với du khách; làm tốt công tác quản lý về giá, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và tạo ra môi trường thân thiện với du khách khi đến Bà Rịa – Vũng Tàu.

Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hóa thủ tục hành chính công; tiếp tục phối hợp các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh du lịch nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch thuận lợi nhất để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho khách du lịch.

“Qua Hội nghị xúc tiến du lịch, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung”, ông Trịnh Hàng nói.

Tại Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, vùng Đông Nam bộ có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, rừng vàng biển bạc, hệ thống sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, hồ… Nhiều điểm du lịch của vùng Đông Nam bộ được các tạp chí du lịch trong nước và thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách như: Địa đạo Củ Chi, Công viên nước Đầm Sen (Thành phố Hồ Chí Minh), Nhà tù Côn Đảo, bãi biển Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Khu du lịch sinh thái Thủy Châu (tỉnh Bình Dương), Sóc Bom Bo, Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Bình Phước), Làng du lịch Tre Việt, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai), Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh)… Đặc biệt, Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013 là một lợi thế trong thu hút khách du lịch đến với vùng Đông Nam bộ cần được chú trọng khai thác phát triển.

Về kết quả hoạt động kinh doanh du lịch, năm 2023, vùng Đông Nam bộ đón và phục vụ 65.300.273 lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước – doanh thu đạt 180.566 tỷ đồng tăng 22,13% so với năm 2022. Du lịch vùng Đông Nam bộ đóng vai trò vô cùng quan trọng, chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch cả nước năm 2023.

Ông Hà Văn Siêu cũng nhận định, vùng Đông Nam bộ có lợi thế lớn trong việc thu hút số lượng đông đảo khách du lịch, thể hiện sức hấp dẫn của vùng đối với khách du lịch, tuy nhiên doanh thu du lịch còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng.

“Trong thời gian tới, vùng Đông Nam bộ cần tăng cường liên kết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Đồng thời phải giữ vai trò động lực, điều phối đưa khách đến với các khu vực khác trong cả nước”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã có những đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến về phát triển du lịch các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, những tiềm năng, lợi thế từng địa phương cũng như cả vùng; hạn chế trong liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch chung.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích