‘Vùng Đồng bằng sông Hồng dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế’

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò vùng động lực, định hướng cho tăng trưởng nền kinh tế cả nước.

'Vùng Đồng bằng sông Hồng dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế'
Hội nghị lần thứ tư Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu tại “Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 4” tổ chức ngày 17/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò là vùng động lực và định hướng cho tăng trưởng nền kinh tế của cả nước.

Để vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục khẳng định vai trò vùng động lực kinh tế, trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, các bộ và địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của năm 2024 đã được giao tại kế hoạch hoạt động điều phối vùng năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng vùng Đồng bằng sông Hồng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng tại Thông báo kết luận số 4869 ngày 21/6/2024.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương có văn bản tham gia ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển 6 vùng kinh tế (đến nay mới nhận được ý kiến của 6/17 bộ, ngành và 3/63 địa phương).

Bên cạnh đó, các bộ, địa phương nghiên cứu, lựa chọn các dự án trọng điểm có tính chất vùng theo tinh thần Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030; trong đó dành nguồn vốn phù hợp để thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Luật Thủ đô để xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đúng theo kế hoạch; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Đối với các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, các địa phương cần khẩn trương đề xuất các cơ chế, chính sách để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế-xã hội và đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương với mục tiêu: “Rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, thí điểm đang được áp dụng trong vùng, các địa phương trong cả nước để xác định chính sách phù hợp, hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng diện áp dụng thí điểm.”

Trong đó, ngoài các nhóm cơ chế, chính sách đề xuất áp dụng chung cho các vùng và cả nước, đối với vùng vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ này đề xuất 4 cơ chế, chính sách đặc thù; đó là: chính sách về hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành; trong đó ưu tiên phát triển các trung tâm kinh tế biển; chính sách phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh; chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng trong 7 tháng qua đạt 7,21%, cao hơn bình quân chung của cả nước; đứng thứ 3/6 vùng kinh tế của cả nước và gấp 1,3 lần Vùng Đông Nam Bộ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trong vùng đạt 521.000 tỷ đồng, cao nhất nước, chiếm 41% tổng thu ngân sách Nhà nước. Giá trị xuất khẩu của vùng cũng đứng đầu cả nước khi đạt trên 80 tỷ USD, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh đó, vùng có 29.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 31% cả nước, tăng 3,39% so với cùng kỳ; 14.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, chiếm 32% cả nước, tăng 6,87% so với cùng kỳ; đứng thứ 2 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (sau vùng Đông Nam Bộ).Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước đạt 55.757 tỷ đồng, cao nhất cả nước, đạt 31,8% kế hoạch.

'Vùng Đồng bằng sông Hồng dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế'
Tàu điện trên cao Nhổn-Ga Hà Nội chính thức được đưa vào vận hành. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Một số địa phương trong vùng nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao là Nam Định 78,37%; Thái Bình 45,78%; Vĩnh Phúc 38,4%; Hà Nam 38,3%.Về tiến độ một số dự án quan trọng, liên kết vùng, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh (vượt tiến độ 5 tháng) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 17/7; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với 8,5km đoạn đi trên cao vào ngày 8/8; đối với đoạn tuyến ngầm, đã khởi công thi công máy khoan hầm TBM từ ngày 30/7.

Ngoài ra, dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội cũng đã giải phóng mặt bằng và bàn giao được 96,5% trên toàn tuyến. Các dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dự án thành phần 3 (Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư-PPP) đang triển khai trình tự, thủ tục lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP và hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư (dự kiến khởi công trong Quý IV/2024).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án còn gặp khó khăn, như: công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ xây dựng các khu tái định cư, di chuyển hạ tầng kỹ thuật còn chậm; thiếu nguồn cung cấp đất, cát, vật liệu san lấp, giá thành cao; vướng mắc liên quan đến Dự án thành phần 3 theo phương thức PPP.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương trong vùng cần kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án như: dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình theo phương thức PPP; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng; 3 dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích