Vui mừng tăng lương giáo viên từ 1/7/2024 lên hơn 32%, góc nhìn từ người lao động
Tăng lương giáo viên từ 1/7/2024 lên hơn 32% so với thu nhập của một số đối tượng. Ảnh minh họa. |
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 từ ngày 1/7/2024. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, lương giáo viên sẽ được tính theo chính sách cải cách tiền lương. Cụ thể, lương sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm 70% tổng lương, phụ cấp 30%, và thêm 10% tiền thưởng (10% tiền lương trích từ quỹ tiền lương của năm và không bao gồm phụ cấp.). Điều này đánh dấu sự thay đổi từ việc tính lương dựa trên hệ số và trình độ cơ sở sang một hệ thống lương theo vị trí công việc. Đối với giáo viên, điều này không chỉ mang lại sự công bằng hơn trong việc đánh giá công sức mà còn mở ra cơ hội nhận được thu nhập cao hơn thông qua các khoản thưởng.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế có đề cập đến nội dung: “… Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương giáo viên trung bình sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Cô P.H.X, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) chia sẻ: “Khi biết tin lương giáo viên sẽ tăng hơn 32% từ ngày 1/7/2024 so với thu nhập của một số đối tượng, về tâm lí nói chung thì ai cũng phấn khởi. Nhất là đối với các cán bộ, giáo viên, nhân viên đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non, thì việc tăng lương sẽ tăng thêm niềm vui, hạnh phúc và bù đắp cho những đóng góp, cống hiến của các cô đối với nghề. Đây chắc chắn sẽ là động lực để thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công việc tốt hơn nữa, giúp cho nhiều cô giáo gắn bó với nghề.
“Chúng tôi coi trọng giá trị lao động của tất cả các thành viên. Với giáo viên hợp đồng hay giáo viên mới thì lương cơ bản theo quy định của Nhà nước. Còn các khoản thu nhập khác (nếu có), giáo viên biên chế hay giáo viên mới, giáo viên hợp đồng sẽ hưởng như nhau, nên không phải tính toán việc hỗ trợ thêm”, cô P.H.X cho biết.
Cô P.H.X cũng chia sẻ thêm, đối với trường mầm non công lập tự chủ một phần thì việc chi trả lương và thu nhập ngoài lương phụ thuộc nhiều vào số lượng học sinh. Trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn chung như hiện nay thì tăng lương cũng là vấn đề nan giải với nhiều trường. Chúng tôi chưa tính toán cụ thể việc này, nhưng nếu như mức thu của nhà trường không tương ứng với mức chi như thường lệ thì chắc chắn sẽ phải họp để tính toán, cân đối lại các mức chi cho phù hợp.
Còn cô giáo Phan Thị Nhi, giáo viên mầm non tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) bày tỏ sự phấn khích trước thông tin lương giáo viên có thể tăng hơn 32% từ chính sách tiền lương mới. Cô cho biết, “điều này không chỉ cải thiện đáng kể cuộc sống của giáo viên chúng tôi mà còn tăng cường động lực gắn bó với nghề. Cô Nhi tin rằng, việc tăng lương sẽ mang lại niềm vui, và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ sẽ được nâng cao hơn nữa.
Cô Nhi nhấn mạnh rằng, giáo dục mầm non là nền tảng quan trọng trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, và giáo viên mầm non như người mẹ thứ hai, luôn yêu thương và chăm sóc trẻ như con của mình. Với chính sách cải cách tiền lương mới, cô hy vọng giáo viên sẽ có thêm động lực để vượt qua khó khăn, gắn bó lâu dài với nghề và tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, góp phần vào sự phát triển toàn diện của trẻ.
Cô Nhi cũng mong muốn chính sách tiền lương mới sẽ được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo thu nhập của giáo viên mầm non không chỉ được duy trì mà còn được cải thiện, phản ánh đúng mức độ vất vả và tận tâm của họ so với các ngành nghề khác.
Khi được hỏi về việc tăng lương kể từ ngày 1/7/2024, ông Phạm Ngọc Hải, Chủ nhóm lớp mầm non tư thục Olympia, chia sẻ: “Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho công sức của các giáo viên, đồng thời là nguồn động viên tinh thần quan trọng, giúp họ tiếp tục phát huy khả năng và sáng tạo trong giảng dạy. Tôi tin tưởng rằng, sự thay đổi này sẽ khiến đội ngũ giáo viên của tôi càng thêm yêu nghề và cống hiến cho sự phát triển của con trẻ.
Đối với kế hoạch hỗ trợ giáo viên, tôi đã nắm bắt được và chuẩn bị từ cuối năm 2023 về tăng mức học phí. Ngoài ra tôi đã có dự định đầu tư vào các chương trình đào tạo và phát triển chuyên môn, cũng như khuyến khích tham gia hội thảo và workshop để cập nhật kiến thức mới. Mục tiêu là giúp giáo viên cảm thấy được trân trọng và có thêm nguồn lực, từ đó mang lại môi trường học tập chất lượng cao cho trẻ”.
Trong bối cảnh giáo dục đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ từ chính sách tiền lương sắp tới, cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên tại 1 trường mầm non tư thục ở Hạ Long, Quảng Ninh, đã có những chia sẻ sâu sắc về ảnh hưởng của quy định mới đối với môi trường làm việc của mình. “Cải cách tiền lương trong các trường công lập là một bước tiến tích cực, và dù chúng tôi là trường tư thục, không áp dụng hoàn toàn theo quy định Nhà nước, nhưng đây cũng là một sự thay đổi lớn,” cô Hương nói.
Cô Hương giải thích thêm: “Chúng tôi mong muốn rằng những thay đổi trong chính sách lương sẽ tạo ra một làn sóng tích cực, khích lệ các trường tư thục xem xét lại cơ cấu lương của mình để đảm bảo sự công bằng và cạnh tranh, thu hút nhân tài giáo dục.”
Cá nhân tôi tin rằng sự thay đổi này sẽ mang lại lợi ích cho cả giáo viên và học sinh: “Với mức lương cao hơn, giáo viên sẽ có thêm động lực để đầu tư cho sự phát triển bản thân, áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ. Đó là mục tiêu cuối cùng mà chúng tôi hướng tới.”
Cô Hương cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù có thể gặp phải một số thách thức trong việc thích ứng với cơ cấu tiền lương mới, nhưng cô và đồng nghiệp của mình sẵn sàng đón nhận thay đổi và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. “Chúng tôi hy vọng rằng sự thay đổi này sẽ được thực hiện một cách công bằng và minh bạch, giúp tạo ra một môi trường giáo dục mầm non chất lượng cao, nơi mỗi đứa trẻ đều có cơ hội phát triển tốt nhất”.
Việc tăng lương cho đội ngũ giáo viên từ 1/7/2024, theo mục tiêu của Nghị quyết 27-NQ/TW là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao công sức của người lao động trong ngành Giáo dục. Mức tăng lương hơn 32% không chỉ cải thiện đời sống của giáo viên mà còn tạo động lực mạnh mẽ để họ tiếp tục cống hiến và nâng cao chất lượng giảng dạy. Sự thay đổi này mang lại niềm vui và hy vọng cho cả cộng đồng giáo viên, từ công lập đến tư thục, và hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho ngành Giáo dục.
Nguồn: Báo lao động thủ đô