Vui buồn ngành Xây dựng: Duyên nghề, lửa nghiệp

(Xây dựng) – Đến với nghề là duyên, nhưng để gắn bó, chung thủy với nghề suốt thời gian mấy chục năm không phải ai cũng làm được. Người ta nói trong nghề có nghiệp, trong nghiệp có lửa, để sống được với nghề và theo nghiệp thì con người vừa phải giữ “lửa”, vừa phải chiến đấu với “lửa”, lại vừa phải truyền lửa. Ngành Xây dựng có nhiều nghề, nhưng nghề nào cũng vất vả, nặng nhọc, áp lực, phong sương, đòi hỏi người theo nghề phải có lòng quyết tâm và sự hy sinh nhất định. Tâm sự vui buồn của những người gắn bó với ngành trên đất phương Nam là những câu chuyện trong lát cắt cuộc đời được trải nghiệm bằng mồ hôi, bằng tuổi trẻ và cả sự đam mê.

Vui buồn ngành Xây dựng: Duyên nghề, lửa nghiệp
Anh Nguyễn Phong Nhật (áo trắng, thứ hai từ trái sang) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013.

Một ngày tháng Tư rực lửa ở thành phố mang tên Bác, vẫn ở góc làm việc quen thuộc, khi được hỏi bất thình lình về duyên nghề, anh Nguyễn Phong Nhật – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh trả lời ngắn gọn “nghề chọn mình”. Anh giải thích, nghề cứ thấy mình phù hợp là dắt đi theo. Từ vị trí làm nghề xây dựng trực tiếp tại công trường, đến quản lý các hoạt động xây dựng, rồi làm công tác Đảng trong ngành… đều là do nghề thấy phù hợp mà được “gọi tên”, được “phân công”. Thế là, bao nhiêu cảm xúc về năm tháng lăn lộn công trường cũng được anh gợi lại.

Ngày ấy vì thích công việc xây dựng của anh chị mình, tuy vất vả nhưng rất thực tế, thế là từ một chàng trai chuyên văn, anh đi theo nghề xây dựng để được cầm bay, cầm xẻng, một mình khoác ba lô vào miền Nam, chính thức trở thành một công nhân thực thụ tại công trường thủy điện Trị An, Đồng Nai. Thế rồi, những tháng ngày tuổi trẻ gắn liền với cường độ lao động cao và tiến độ thi công khẩn trương của công trình cùng lời ca bay bổng như thúc giục lòng người trong ca từ của những bài hát “Trị An âm vang mùa xuân” của Nhạc sỹ Tôn Thất Lập và bài “Mặt trời Trị An” của Nhạc sỹ Thanh Tùng…

Trị An nằm trong vùng chiến khu D thời kháng chiến chống Mỹ là nơi bị rải chất độc da cam nhiều và đầy muỗi vắt. Nhiều khi anh em trêu đùa, “ai đã ở nơi này mà chưa bị dính sốt rét thì chưa phải là công dân Trị An”. Những năm đầu, tuyến đường chính đi vào công trình thi công nhà máy chưa xong, dù cách Thành phố Hồ Chí Minh chừng hơn 70km, nhưng đi bằng xe đò phải mất một ngày trời mới tới nơi vì phải đi nhiều chặng, có khi 2 đến 3 tháng anh không được về thành phố một lần. Do tuyến đường giao thông chính chưa có nên việc vận chuyển thiết bị, máy móc, vật tư… chủ yếu bằng đường thủy là sông Đồng Nai. Ban ngày, anh cùng anh em đi đổ bê tông thi công các công trình phù trợ, dù đã mệt nhưng tối về anh em đoàn viên lại cùng nhau đi vác xi măng, bốc dỡ các thiết bị từ sà lan lên xe và chuyển vào kho…, lúc ấy anh mới thấy thấm nỗi vất vả, nặng nhọc của nghề. Thời đó, các máy móc thiết bị hỗ trợ cho thi công còn khiêm tốn, đổ bê tông chủ yếu bằng thủ công, đang đổ khối bê tông lớn mà vướng vào trời mưa, đường trơn xe chở bê tông không đi vào được hoặc máy trộn bị sự cố là coi như xong, vì thế phải làm cho hoàn thành khối lượng công việc mới được nghỉ. Rồi những ngày toàn công trường chạy nước rút để kịp hoàn thành và phát điện tổ máy số 1 cuối năm 1987 theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, anh trực suốt đêm để cung ứng vật tư đảm bảo phục vụ kịp thời cho thi công, thời gian này được ngủ trọn một đêm đối với anh là một điều xa xỉ..!

Nhưng rồi 7 năm cũng trôi qua, công trình thủy điện hiện đại đầu tiên ở phía Nam cũng đã hoàn thành, thắp sáng niềm vui và thỏa lòng mong ước của người dân cả vùng Đông Nam bộ. Bảy năm thanh xuân đầu tiên của anh gắn bó với công trường, là bảy năm trải nghiệm sương gió, trải nghiệm những thử thách của nghề, sức bền của bản thân đối với cuộc sống, sự trưởng thành làm bệ đỡ cho bước đi ngày mai xa hơn.

Thế rồi, cuộc sống cứ thế tiếp diễn, xong công trình này, anh lại đi xây dựng công trình khác… hết công trình thủy điện Thác Mơ (tỉnh Bình Phước), rồi nhà máy xi măng Sao Mai Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang). Sau đó lại chuyển sang thi công mở rộng tuyến Quốc lộ 1A đoạn Dầu Giây – Phan Thiết và nhiều công trình trọng điểm quốc gia khác. 14 năm sương gió công trường, cũng là 14 năm gắn bó với Công ty Xây lắp thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1 của Bộ Xây dựng. Anh nói: “14 năm thanh xuân của tôi, 14 năm sương gió, nhưng chưa lúc nào tôi nghĩ mình sẽ làm nghề khác dù tôi luôn là người được Ban lãnh đạo tin tưởng điều đi tiên phong tới những nơi khó khăn nhất, làm những công việc vất vả nhất. Công việc cứ cuốn tôi đi”.

Năm 1999, khi đó anh 33 tuổi được điều động về công tác tại Cơ quan Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Gần chục năm sau, anh lại được điều động giữ chức Trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2010, do yêu cầu nhiệm vụ, anh được điều động về làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh và công tác cho đến nay.

Trân quý những tháng ngày cống hiến của con người trưởng thành từ nghề, phóng viên bất ngờ hỏi anh: Có lúc nào anh thấy nghề khắc nghiệt và mình xui xẻo không? Anh trả lời rất thật: Có lúc cũng tủi thân sao mình lại nghèo thế, vất vả thế, khác hẳn với hình ảnh mà người đời gán cho những người con của ngành Xây dựng là nhà lầu xe hơi, ăn những món đắt tiền, sử dụng những đồ xa xỉ, đến những nơi sang trọng…

Khi được hỏi trong quá trình công tác, anh có tiếc điều gì không? Anh nói: Tiếc lắm, tiếc nhiều chứ. Tiếc những con người có duyên đến với ngành, làm trong ngành rồi lại không gắn bó với ngành. Tiếc những con người tâm huyết, những người có thể nói là trưởng thành từ nghề, gắn bó với nghề nhưng lại không bảo toàn được nghề và không giữ được truyền thống, thương hiệu của các doanh nghiệp lớn trong ngành Xây dựng sau quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp.

Tiếc và sợ mất người truyền lửa, có lẽ là thông điệp mà anh gửi gắm cho người viết. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai”. Anh nói chưa bao giờ hết cảm xúc với những ca từ viết bằng trái tim trong những bài hát về ngành Xây dựng “Anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi, nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi… Anh sẽ đi về khắp làng quê xây những ngôi nhà tương lai, dòng sông mát xanh chảy quanh phố phường và nhiều công trường xây niềm vui mới…”. Rồi bất ngờ anh nhắn: “Em đừng viết về anh nữa nhé. Anh thấy mình còn quá nhỏ bé so với các chú bác và anh em trong ngành Xây dựng nói chung và ở phía Nam”.

Thì đây, câu chuyện của anh như ngọn lửa và anh đang là người truyền lửa. Ngọn lửa ấy không chỉ truyền cho những người xung quanh, những người anh từng gặp, từng quen, mà nó còn được truyền trong chính gia đình anh, cho những người con của anh viết tiếp những trang đời mới của ngành Xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích