“Vua Hồ Tiêu” Phan Minh Thông kể về những mánh khóe trong kinh doanh

Bằng kiến thức và kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp trong nhiều năm qua, “Vua Hồ Tiêu” Phan Minh Thông đã chỉ ra những mánh khóe của các thương trường gay cấn, khốc liệt, hội tụ trong cuốn sách “Vượt lên, những con đường kinh doanh”. Đó là những kiến thức hữu ích dành cho các doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp trước khi bắt tay vào công việc kinh doanh.

Ngoài ra, ông còn đưa ra những câu chuyện kinh tế gắn liền với nghệ thuật quản trị, bằng những bài học thực tiễn. Qua đó, giúp các doanh nghiệp có thể thúc đẩy văn hoá trong công ty để tìm ra những triết lý kinh doanh riêng.

“Vua Hồ Tiêu” Phan Minh Thông kể về những mánh khóe trong kinh doanh
Ông Phan Minh Thông trong buổi họp báo ra mắt cuốn sách: “Vượt lên, những con đường kinh doanh”.

Chia sẻ về lý do viết cuốn sách, tác giả nói: “4 năm vừa qua, chúng tôi đã hoạt động kinh doanh ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ở mỗi nơi, tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc, những thuận lợi, khó khăn và cách làm thế nào để doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước vượt qua đại dịch.

Tôi muốn người làm kinh doanh không đơn thuần là làm kinh doanh mà còn luôn tràn đầy năng lượng tích cực, nhất là trong đại dịch, để từ đó lan tỏa tri thức chia sẻ với nhiều người về các thương vụ trên thương trường, kinh doanh, cuộc sống và nền văn hóa trên khắp thế giới”.

Theo thông tin từ tác giả, Covid-19 đã làm cho hàng ngàn doanh nghiệp điêu đứng, trong đó Công ty Phúc Sinh – chuyên xuất nhập khẩu nông sản. Nhịp điệu kinh doanh căng thẳng kéo dài, giá tiêu, cà phê lên cao, dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế. Vấn đề đó làm đứt gãy nguồn nguyên liệu và đứt đoạn chuỗi cung ứng, ứ hàng, các mắt xích trong chuỗi tiêu thụ sản phẩm…

Qua cuốn sách “Vượt lên, những con đường kinh doanh” gửi gắm đến những doanh nhân hay các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp trong ngành nông sản, cần phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối mặt với khủng hoảng của doanh nghiệp; sẽ có rất nhiều cạm bẫy ngoài thương trường. Muốn làm thương hiệu phải đầu tư vào chất lượng sản phẩm, đầu tư cả hệ thống từ nông dân, nông sản, đất đai, máy móc…

Được biết, trong kinh doanh “Vua Hồ Tiêu” đã dùng đòn bẩy con người, sự nhạy bén nhờ kinh nghiệm và các mối quan hệ để duy trì, để phát triển kinh tế doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp Phúc Sinh khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng đến năm 2016 doanh thu đạt gần 7 nghìn tỷ đồng.

Quang Linh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích