Vụ xét xử Chủ tịch phường Bắc Sơn: Có bỏ lọt tội phạm?
Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Theo cáo trạng, do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xác minh về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất nên Phan Công Trường, lúc đó là Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn và Mai Phong Tùng, lúc đó là công chức địa chính phường Bắc Sơn đã xác nhận không đúng về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất vào đơn xin xác nhận nguồn gốc và thời gian sử dụng đất dẫn đến UBND thị xã Bỉm Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định cho 5 hộ: Phạm Văn Trưởng – Nguyễn Thị Tuyến; Nguyễn Thị Nga; Vũ Văn Chuyển – Lê Thị Phương; Hoàng Cát Hanh – Nguyễn Thị Oanh; Vũ Mạnh Hà – Mai Thị Luyến, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Viện KSND thị xã Bỉm Sơn xác định đây là vụ án được thực hiện với lỗi vô ý.
Tại phiên tòa, bị cáo Phan Công Trường và Mai Phong Tùng đều thừa nhận có những sai sót trong quá trình xác minh nguồn gốc đất cho một số hộ dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, bị cáo Trường cho rằng, những hồ sơ nào bị cáo xác nhận không đúng thì bị cáo thừa nhận nhưng còn 4 hồ sơ được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Bỉm Sơn trả về, có 3 hồ sơ trong vụ án này gồm hộ: Phạm Văn Trưởng – Nguyễn Thị Tuyến; Nguyễn Thị Nga; Vũ Văn Chuyển – Lê Thị Phương thì không thể quy trách nhiệm cho phường Bắc Sơn.
Bởi lẽ, khi hồ sơ các hộ bị trả về ngày 25/6/2013, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Bỉm Sơn chỉ gửi một tờ giấy thông báo cho UBND phường Bắc Sơn nêu các hộ không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không gửi hồ sơ kèm theo.
Tại phiên tòa, các hộ dân cho biết, sau khi có thông báo trả hồ sơ không đủ điều kiện cấp giấy, họ đã tự lên văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Bỉm Sơn lấy hồ sơ và nộp lại hồ sơ sau đó. Đồng thời, theo biên bản làm việc vào 8h30 phút ngày 30/7/2013 tại trụ sở Công ty TNHH Nông – Công nghiệp Hà Trung ở khu phố 6, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, ông Mai Quang Bính, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn độc lập làm việc với Công ty TNHH Nông – Công nghiệp Hà Trung để xác minh nguồn gốc đất, làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trên mà không thông báo cho UBND phường, không có cán bộ, lãnh đạo UBND phường tham gia vào quá trình xác minh nguồn gốc đất này.
Trước đó, mỗi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận nguồn gốc đất của các hộ dân ở phường Bắc Sơn đều có giấy xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của Công Ty TNHH Nông –công nghiệp Hà Trung. Thực tế, nông trường là người quản lý đất đai trước đây, nông trường cũng thực hiện việc xác nhận nguồn gốc đất đã cấp, giao cho người sử dụng khi chưa giao về địa phương; Nông trường cũng được UBND thị xã Bỉm Sơn yêu cầu cung cấp tài liệu, xác nhận những trường hợp mất giấy tờ hoặc chưa được cấp giấy riêng lẻ, việc xác nhận của nông trường là phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai.
Trình bày trong phần tranh luận, luật sư Mai Văn Lư, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Phan Công Trường cho biết, đối với hồ sơ hộ Phạm Văn Trưởng – Nguyễn Thị Tuyến, Hội đồng đăng ký đất đai phường họp từ 15h đến 15h30 ngày 28/9/2012 và từ 14h ngày 28/9/2012 cũng diễn ra biên bản thỏa thuận hạn mức đất ở tại gia đình ông Phạm Văn Trưởng. Biên bản này có thành phần tham dự là bà Hoàng Thị Nga (khu phố trưởng), bà Nguyễn Thị Mai (cán bộ địa chính). Như vậy, thời gian họp 2 sự việc trên là ở hai địa điểm, 2 nơi khác nhau.
Bên cạnh đó, phiếu lấy ý kiến nhân dân lập ngày 24/12/2012, không có biên bản kết thúc, không có tên hộ Phạm Văn Trưởng. Cùng với đó là đơn xin xác nhận thời gian và nguồn gốc đất không có ngày làm đơn nhưng được khu phố xác nhận ngày 10/11/2012, Chủ tịch Mặt trận phường xác nhận ngày 18/3/2013, công chức địa chính và Chủ tịch UBND phường xác nhận ngày 18/3/2013. Đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ đề ngày 09/8/2012, công chức địa chính và Chủ tịch UBND phường ký ngày 18/3/2013, cán bộ thẩm định của VPĐKĐ Đ ký duyệt ngày 29/3/2013 và giám đốc ký ngày 12/4/2013.
Cùng với đó, biên bản xác định mốc giới do bà Nguyễn Thị Doan, cán bộ VPĐKQSDĐ lập ngày 24/12/2012, xác định thửa đất của hộ ông Phạm Văn Trưởng, theo bản đồ địa chính lập năm 1997, trong khi hồ sơ đang ở cấp Phường, UBND phường đang xử lý? Bên cạnh đó, phường Bắc Sơn đã có bản đồ địa chính năm 2011 nhưng bà Doan vẫn lập biên bản xác định theo bản đồ năm 1997.
“Việc sử dụng bản đồ địa chính năm 1997 là thủ đoạn của những người này, nhằm che đậy sự giả dối trong việc lập hồ sơ giả. Bởi lẽ, sự thật là bà Nụ không chuyển nhượng đất cho hộ ông Trưởng. Động cơ của việc giả dối này, là nhằm hợp thức hóa hồ sơ, để hộ ông Trưởng có nhiều diện tích đất ở mà không phải nộp tiền sử dụng đất”, luật sư Mai Văn Lư phân tích.
Theo luật sư Mai Văn Lư, ngày 25/6/2013, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Bỉm Sơn thông báo trả hồ sơ của 4 hộ dân, có hộ ông Phạm Văn Trưởng – Nguyễn Thị Tuyến nhưng không có ngày nộp lại hồ sơ. Bà Hoàng Thị Nga là người nhận hồ sơ trả về nhưng không có giấy ủy quyền là trái qui định tại điểm 4 Khoản 3 Điều 11 Nghị định 88/2009/NĐ-CP.
“Cơ quan điều tra và VKSND thị xã Bỉm Sơn bỏ qua hành vi xác nhận độc lập nguồn gốc đất của ông Mai Quang Bính cũng như giấy xác nhận nguồn gốc đất do lãnh đạo Công Ty TNHH Nông –công nghiệp Hà Trung ký xác nhận mà chỉ UBND phường Bắc Sơn chịu trách nhiệm là thiếu khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”, luật sư Mai Văn Lư, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm.
Vi phạm tố tụng trong vụ án
Sang phần tranh luận, đại diện VKSND thị xã Bỉm Sơn luận tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Công Trường từ 39-42 tháng tù, bị cáo Mai Phong Tùng từ 30-33 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Trình bày trong phần tranh luận, luật sư Mai Văn Lư, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại phiên tòa, cả 5 hộ dân trên đều nhận thấy việc xác định chưa chính xác về thời điểm sử dụng đất dẫn tới giám định sai về thiệt hại trong vụ án. Ông đồng tình với các hộ dân trên là đề nghị HĐXX xem xét yêu cầu giám định lại.
Về tố tụng hình sự, vụ án này đã được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 2 lần (lần đầu là VKS, lần sau là tòa án), nhưng lại không có Kết luận điều tra bổ sung nào mà các Bản KLĐT sau (số 18/KLĐT-CSĐT ngày 27/5/2013 và số 36/KLĐT – CSĐT ngày 06/9/2013) không nêu rõ những yêu cầu điều tra bổ sung là gì? Kết quả điều tra và quan điểm của CQĐT về yêu cầu điều tra bổ sung như thế nào? Các bản KLĐT sau có thay thế Bản KLĐT trước không? Việc trên, đã vi phạm qui định tại khoản 3 Điều 245`Bộ luật TTHS năm 2015.
Luật sư Mai Văn Lư cho biết thêm, theo Bản KLĐT số 36/KLĐT – CSĐT ngày 06/9/2013 (trang2), Cơ quan CSĐT Công an thị xã Bỉm Sơn đã ban hành Quyết định đình chỉ điều tra bị can (số 04/QĐ-CSĐT ngày 06/9/2023) đối với các bị can Nguyễn Thị Mai, Phan Công Trường, Mai Phong Tùng. Tuy nhiên, bị can Trường chưa nhận được Quyết định này? Là vi phạm Điều 60 Bộ LTTHS.
Về vi phạm tố tụng thứ 3 là tại cáo trạng số 39/CT-VKSBS ngày 02/10/2023 của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bỉm Sơn không nêu được lý do tại sao ban hành cáo trạng này! Tức không nêu căn cứ Quyết định trả hồ sơ của Tòa và những yêu cầu mà Tòa án nêu trong Quyết định trả hồ sơ? Mặc dù, tại bản KLĐT đã khẳng định, bị can Phan Công Trường và Mai Phong Tùng đã được đình chỉ điều tra bị can (số 04/QĐ-CSĐT ngày 06/9/2023), nhưng cáo trạng, vẫn không ghi nhận tình trạng pháp lý này?
“Từ những phân tích trên, tôi đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định lại thời điểm sử dụng đất của các hộ dân cũng như thay đổi tư cách tham gia tố tụng của Phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Bỉm Sơn, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thị xã Bỉm Sơn”, luật sư Mai Văn Lư nhấn mạnh.
Tại phiên tòa, HĐXX đã thay đổi tư cách người làm chứng đối với Phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Bỉm Sơn, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thị xã Bỉm Sơn sang người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Nói lời sau cùng, bị cáo Phan Công Trường trình bày, việc xác định nguồn gốc đất, để cấp GCNQSDĐ cho hàng nghìn thửa đất tại phường Bắc Sơn là phức tạp, tuy nhiên, để xảy ra những sai sót với 05 hộ mà bị cáo bị xét xử là điều đáng tiếc. Bị cáo chấp nhận việc phán xử của pháp luật, theo mức độ vi phạm của mình. Mấy chục năm làm việc cho Nhà nước, nay thật chua chát phải nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo mong rằng HĐXX có cách đánh giá khách quan, công tâm, xét hoàn cảnh cụ thể và sức khỏe của bị cáo, cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng.
Sau khi nghe các bên trình bày tại tòa, HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 16h ngày 20/11/2023.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu