Vụ việc cắt xén tiền ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ: Bài học lớn cho ngành Thể dục thể thao
Chiều nay (9/10) tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2023. Chủ trì họp báo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt. Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy thông tin tại họp báo. |
Liên quan đến việc cắt xén tiền ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, hiện nay, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội không đủ diện tích để tập huấn, khó khăn về cơ sở vật chất. Để đáp ứng yêu cầu tập luyện của các đội tuyển thì phải tập huấn ở Khu Liên hiệp Thể thao quốc gia, tại các Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể dục thể thao các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình…
Việc chi trả chế độ cho các huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) được Trung tâm trả vào tài khoản riêng. Đối với đội bóng bàn trẻ, từ tháng 2/2023 thực hiện chi trả theo quy định.
Bộ VHTTDL xác định vụ việc này là một bài học rất lớn đối với ngành Thể dục thể thao (TDTT), nhất là trong công tác phối hợp. Đặc biệt, đây là lời cảnh tỉnh cho những người tham gia công tác huấn luyện, đào tạo VĐV trẻ nhưng chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, huấn luyện và chế độ bồi dưỡng, đời sống của VĐV trên hết và có biểu hiện vì lợi ích cá nhân.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh, vụ việc cắt xén tiền ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ là bài học đắt giá cho ngành TDTT trong công tác phối hợp với các cơ sở tại một số địa phương ngoài Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội để tập huấn cho các đội tuyển. Vụ việc đáng tiếc này là cảnh tỉnh đối với người tham gia công tác huấn luyện đội tuyển trẻ đã không đặt vấn đề chăm lo cho VĐV lên trên hết mà vì lợi ích của cá nhân mình.
Cũng theo Thứ trưởng, ngay sau khi nhận được thông tin trên các phương tiện truyền thông, Bộ đã ngay lập tức chỉ đạo Cục Thể dục thể thao phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vụ việc tiến hành đình chỉ Ban Huấn luyện, đưa đội tuyển bóng bàn trẻ về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
“Bộ VHTTDL đã chỉ đạo quyết liệt, giao các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng, kịp thời xác minh trách nhiệm. Khi có thông tin sai phạm từ cá nhân, đơn vị nào sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ đã chỉ đạo Cục Thể dục thể thao tổng kiểm tra, rà soát lại công tác huấn luyện các đội tuyển để đáp ứng được yêu cầu, quan tâm chăm lo đời sống của huấn luyện viên, VĐV. Chúng tôi đặt ra thời hạn trước 20/10 khi có kết quả sẽ thông tin đến báo chí”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.
Trả lời tại họp báo, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cho biết, sau khi xảy ra vụ việc của đội tuyển bóng bàn trẻ, Cục Thể dục thể thao cũng đã rà soát các đội tuyển khác, nắm lại tình hình trên cơ sở chấn chỉnh. Nếu phát hiện có sai phạm tương tự sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Thông tin tại họp báo cho thấy, trong Quý III/2023, ngành VHTTDL đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Trong đó có việc di sản vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản thiên nhiên thế giới; 5 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt…
Cùng thời gian này, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 19 với thành tích 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 19 Huy chương Đồng.
Ở lĩnh vực du lịch, số liệu trong 9 tháng năm 2023 cho thấy, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam ước đạt hơn 8,8 triệu lượt và lượng khách du lịch nội địa ước đạt 93,5 triệu lượt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành VHTTDL còn một số hạn chế, đó là công tác xây dựng thể chế ở một số lĩnh vực vẫn còn chậm tiến độ. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng chưa thực sự đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Việc huy động các nguồn lực đầu tư, quy hoạch, bố trí quỹ đất ở các địa phương cho phát triển văn hóa, thể thao còn hạn chế…
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa còn nhiều khó khăn. Một số ít địa phương, đơn vị chưa chấp hành tốt pháp luật về di sản văn hóa, còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, một số địa phương chưa quan tâm đầu tư kinh phí đúng mức cho hoạt động tu bổ di tích. Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở còn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Đặc biệt, việc thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn như cuộc thi người đẹp chưa đáp ứng mục tiêu, định hướng về cái đẹp; các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, cấp phép và quản lý các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, người mẫu trên địa bàn.
Nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất và định hướng hoạt động cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chưa phù hợp tính đặc thù của ngành, địa phương, phát sinh bất cập…
Nguồn: Báo lao động thủ đô