Vũ Văn Hiếu: Người đi rồi hồn thiêng còn để lại
(Xây dựng) – Năm 2023 là năm thứ 80 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – người Bí thư đầu tiên của Đặc khu uỷ Khu mỏ Quảng Ninh Vũ Văn Hiếu hy sinh. Cụ Vũ Văn Hiếu một nhà cách mạng bất khuất khác biệt, vị quốc vong thân, người đi rồi hồn thiêng còn để lại.
Chết còn chút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng (thơ Tố Hữu). |
Ở khu công viên hoa Lán Bè, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long có một pho tượng bán thân, đúc bằng đồng thau, đặt trên bệ cao. Pho tượng trung thiên, phong sương lại gần biển dễ nước mặn ăn mòn, vậy mà từ khi xây dựng đến nay bề mặt đồng thau không hề biến dạng, vẫn óng ánh màu vàng. Người dân sinh sống lân cận cho rằng hồn nhập tượng, người linh thiêng.
Đó là tượng cụ Vũ Văn Hiếu, người Bí thư đầu tiên của Đặc khu uỷ Khu mỏ Quảng Ninh, được hô thần nhập tượng ngày mùng Sáu, tháng Mười, năm Bính Thân (5/11/2016). Pho tượng cụ Vũ Văn Hiếu có nét khác biệt với tượng các vị lãnh đạo cách mạng hiện có ở Quảng Ninh. Tượng cao trên 6m, nặng 1,7 tấn, đặt trên bệ đá hoa cương nguyên khối, tứ diện trạm khắc họa tiết mô phỏng hình dạng vỉa than, phong cảnh Vịnh Hạ Long; đặt trong khuôn viên rộng 8.300m2, có sân hành lễ, tiểu cảnh, điện trang trí, hạ tầng kỹ thuật… kiến trúc kiểu cách văn hóa phục cổ.
Tượng cụ Vũ Văn Hiếu dựng ở vị trí trang trọng, khuôn viên rộng 8.300m2 trong công viên hoa Lán Bè, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long. |
“Bí sử” về tượng cụ Vũ Văn Hiếu còn ít người biết. Đây là pho tượng thứ 3 trùng tu, tạc lại chân dung cụ Vũ Văn Hiếu. Bức tượng thứ nhất tạc năm 1990 bằng xi măng, đặt ở sân trường trung học phổ thông (trường này lấy tên cụ là trường Trung học phổ thông Vũ Văn Hiếu) ở khu Khe Cá, phường Hà Tu; lần thứ nhì tạc năm 1999 bằng đá hoa cương trắng, đặt ở sân nhà văn hóa công nhân mỏ than Hà Tu. Cụ Vũ Văn Hiếu là nhà cách mạng tiền bối duy nhất ba lần thay đổi quy mô, vị trí đặt tượng và hiện là pho tượng cán bộ cách mạng lớn nhất, đặt ở vị trí trang trọng nhất Quảng Ninh.
Cuộc đời làm cách mạng của Vũ Văn Hiếu bất khuất khác biệt. Vắn tắt tiểu sử, cụ sinh năm 1907 tại ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Vốn là người thông minh, năng động, Vũ Văn Hiếu đã sớm nhận ra sự bất công mà đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Khi trưởng thành vào năm 1928, cụ ra mỏ làm than thì gặp được các nhà cách mạng Nguyễn Văn Xứng (Lê Thanh Nghị), Nguyễn Khắc Khang (Lê Quốc Trọng) được truyền đạt thêm tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cụ càng hiểu thêm nỗi khổ của đất nước nô lệ và con đường đấu tranh giai cấp, giành độc lập cho dân tộc.
Tượng cụ Vũ Văn Hiếu tạc lần thứ hai năm 1999, đặt ở sân Nhà văn hóa công nhân mỏ than Hà Tu. |
Tháng 11/1929, cụ Vũ Văn Hiếu được đứng trong hàng ngũ Đảng cộng sản Đông Dương. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/02/1930, các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Mạo Khê, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt được thành lập. Tháng 3/1930, Chi bộ Đảng vùng than Hòn Gai gồm: Nguyễn Khắc Khang, Vũ Văn Hiếu, Trần Văn Nghệ, Nguyễn Văn Xứng (Lê Thanh Nghị) do cụ Nguyễn Khắc Khang làm Bí thư.
Tháng 4/1930, Đảng ủy khu mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả được thành lập, cụ Vũ Văn Hiếu được Đảng ủy tín nhiệm bầu làm Bí thư. Ngày 17/5/1930, do nội bộ có kẻ phản bội đầu hàng địch, mật thám Pháp đã bắt cụ cùng 4 đảng viên trong tổ chức của Đảng vùng than. Cụ Vũ Văn Hiếu dũng cảm, kiên trung trước đòn tra tấn và thủ đoạn chiêu hồi của địch; đã không khai báo, tiết lộ bí mật của cở sở Đảng, quân Pháp không đủ chứng cứ kết tội, chúng đành phải trả tự do cho cụ.
Mộ cụ Vũ Văn Hiếu tại khu A, nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu), bốn mùa cây lá tốt tươi, hoa thơm đua nở, nhang bay khói tỏa. |
Tháng 10/1930, thành lập đặc Khu ủy Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả… cụ Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ lớn hơn, làm Bí thư Đảng ủy mỏ Cẩm Phả – Cửa Ông. Ngày 9/2/1931, lại do nội bộ có kẻ phản bội, cụ Vũ Văn Hiếu cùng gần 70 cán bộ đảng viên và quần chúng cách mạng ưu tú lại bị mật thám Pháp bắt giam.
Ngày 13/5/1931, thực dân Pháp đưa Vũ Văn Hiếu cùng hơn 40 đảng viên, quần chúng cách mạng khác ra xét xử tại Hội đồng Đề hình Hà Nội. Tại phiên xử này, chúng kết án Vũ Văn Hiếu 20 năm tù cấm cố và đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, chúng giam cụ Vũ Văn Hiếu cùng phòng giam với các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng (sau này) như: Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Hạ Bá Cang, Nguyễn Khắc Khang…
Tháng 5/1936, phong trào Bình dân ở Pháp thắng thế, thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho cụ Vũ Văn Hiếu cùng nhiều chính trị phạm, cán bộ cách mạng của Đảng toàn quốc. Thoát khỏi lao tù, Vũ Văn Hiếu tiếp tục hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh. Sau chuyển vào miền Nam công tác, Vũ Văn Hiếu tham gia chỉ đạo tờ Đông Phương tạp chí với danh nghĩa đặc phái viên, đến tháng 11/1939 cụ về phụ trách cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng trong hoạt động bí mật.
Đêm 17/01/1940, Vũ Văn Hiếu lại bị địch bắt cùng Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Văn Tấn. Đầu năm 1941, thực dân Pháp lại đày Vũ Văn Hiếu ra Côn Đảo (lần thứ hai), lại giam cùng các nhà cách mạng lớn như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Tạo…
Ông Lê Duẩn, khi làm Tổng Bí thư của Đảng kể: Hồi trong lao tù, Vũ Văn Hiếu bị bệnh trọng, đồng chí đồng cảnh xin được một bộ quần áo cũ cho mặc. Một hôm cụ Vũ Văn Hiếu nằm cạnh cụ Lê Duẩn bảo: “Tôi không sống được nữa. Tôi đang nghĩ có cách gì làm lợi cho Đảng, mà nghĩ mãi không ra. Giờ chỉ có cách tôi đưa bộ quần áo này cho đồng chí mặc, để đồng chí sống mà hoạt động cho Đảng”.
Hôm sau Vũ Văn Hiếu tắt thở, từ biệt cõi trần trong đại lao, vì bệnh trọng vết thương kẻ địch tra tấn dã man lại tái phát. Người đảng viên cộng sản ấy ra đi, vẫn nghĩ đến Đảng, vẫn nghĩ cách làm lợi cho Đảng. Hương hồn cụ rất linh thiêng, phù hộ cho tổ chức nhiều vấn đề nay còn bí ẩn.
Mộ của cụ Vũ Văn Hiếu ở nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, bốn mùa cây lá tốt tươi, hoa thơm đua nở, nhang bay khói tỏa… nổi trội trong số hàng ngàn nấm mồ liệt sĩ vị quốc vong thân. Còn ở Quảng Ninh, tượng của cụ Vũ Văn Hiếu thâm nghiêm, mưa nắng không phai màu, vẫn óng ánh sắt đồng như ý chí can trường của cụ năm xưa.
Nguồn: Báo xây dựng