Vũ Thư: Nguyên chủ tịch xã bị ‘tố’ vi phạm quản lý, sử dụng đất nông nghiệp

Vũ Thư: Nguyên chủ tịch xã bị ‘tố’ vi phạm quản lý, sử dụng đất nông nghiệp

Ngọc Tuyên –  Thứ ba, 14/02/2023 16:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua người dân xã Tự Tân, huyện Vũ Thư bức xúc trước việc hộ ông Trần Văn Đông, nguyên chủ tịch UBND xã này đã huy động máy xúc đến “băm nát” hàng ngàn m2 đất nông nghiệp, làm phá vỡ mặt bằng canh tác, gây hệ luỵ tiêu cực đến môi trường…

Nguyênchủ tịch xã bị ‘tố’ vi phạm quản lý, sử dụng đất nông nghiệp

Theo phản ánh của người dân thôn Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thời gian gần đây tại khu vực cánh đồng trồng lúa thuộc thôn Phú Lễ xuất hiện nhiều phương tiện như máy xúc, ô tô tải đến đào bới, băm nát hàng ngàn m2 đất nông nghiệp, phá vỡ mặt bằng đất canh tác, gây hệ luỵ tiêu cực đến môi trường nhưng không bị lực lượng chức năng đến kiểm tra, ngăn chặn, gây bức xúc trong nhân dân.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Hữu T. – một cán bộ hưu trí đang sinh sống tại thôn Phú Lễ, xã Tự Tân bức xúc nói: Ông ấy (ông Trần Văn Đông,  nguyên Chủ tịch UBND xã Tự Tân – PV) là Đảng viên, nguyên là lãnh đạo xã thì đúng ra ông phải là người sống, làm việc gương mẫu để người dân học tập, noi gương. Chính vì vậy, khi biết tin hàng ngàn m2 đất canh tác nông nghiệp bị hộ gia đình ông này huy động máy móc, phương tiện đến đào bới làm biến dạng khu đất này đã khiến cho người dân bức xúc, họ cho rằng ông Đông đang coi thường pháp luật.

tm-img-alt
Hàng ngàn m2 đất trồng lúa ở thôn Phú Lễ, xã Tự Tân đã bị hộ ông Trần Văn Đông – nguyên Chủ tịch UBND xã này “băm nát”, phá vỡ mặt bằng cánh tác, gây hệ luỵ tiêu cực về môi trường.

Để có thông tin chính xác về nội dung phản ánh trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã mục sở thị khu vực đất trồng lúa trên. Theo ghi nhận, tại khu vực cánh đồng trồng lúa tại thôn Phú Lễ xuất hiện 02 máy xúc cỡ lớn và xe tải đang tích cực múc và chở đất ra ngoài khu vực cánh đồng này, và một lượng lớn đất sau khi được múc lên đã sử dụng đắp bờ bao quanh từng khoảnh ruộng. Theo quan sát thực tế, với mức độ đào sâu hàng mét thì có dấu hiệu biến đất trồng lúa thành các ao sâu.

Nhận định về hoạt động đào bới mặt bằng trên của hộ ông Đông, ông Nguyễn Hữu T. cho biết: Tôi có cảm giác rằng hộ ông Đông đang “hô biến” mặt bằng đất trồng lúa để đào ao nuôi truồng thuỷ sản, với mặt bằng hiện tại họ hoàn toàn có thể biến khu vực này thành các hồ câu, khu sinh thái trong tương lai để kinh doanh.

tm-img-alt
Cần xử lý nghiêm hành vi huy động máy xúc, ô tô đến đào bới nham nhở mặt bằng đất canh tác nông nghiệp.

Cơ quan chức năng nói gì?

Liên quan đến sự việc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phạm Quang Tạo – Chủ tịch xã Tự Tân. Tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Tạo cho biết, diện tích 08 sào đất (01 sào = 360 m2) đang bị múc là của hộ gia đình ông Trần Văn Đông – nguyên Chủ tịch UBND xã và ông Trần Văn. Do trước kia là đất trồng lúa kém hiệu quả nên ông  Đông đã làm đơn lên xã để xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng cây lâu năm, với độ sâu so với mặt bằng cũ là 50cm, và bờ cao hơn mặt bằng cũ là 50cm.

Cũng theo người đứng đầu chính quyền xã Tự Tân, xã cho chuyển đổi nhưng không được phá vỡ mặt bằng để tránh sau này khó xử lý. Và thực tế ở đây hộ gia đình ông Đông đã đưa máy múc vào múc đất để làm luống rộng từ 4 đến 5m và rãnh 2m để giữ nước.

tm-img-alt
Trách nhiệm của chính quyền xã Tự Tân đến đâu khi để hộ ông Trần Văn Đông ngang nhiên phá vỡ mặt bằng đất nông nghiệp?

Để khách quan sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Hải – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Thư. Sau khi tiếp nhận nội dung PV phản ánh, ông Hải cho biết: Về nội dung PV đề cập chúng tôi sẽ giao cho xã Tự Tân, trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm là thẩm quyền của UBND xã được quy định tại điều 208 Luật Đất đai. Đây là thẩm quyền của UBND xã, do quân số của Phòng Tài nguyên và Môi trường thưa nên không thể đi các xã.

Trưởng phòng Nguyễn Thanh Hải phân tích thêm, nếu như đất đang là đất nông nghiệp mà chuyển mục đích thành đất trồng cây lâu năm thì thuộc thẩm quyền của xã, và chắc chắn đất ruộng chuyển thành đất ao thì không còn thuộc thẩm quyền của xã nữa. Việc chưa có hồ sơ theo quy định của cấp thẩm quyền phê duyệt mà tự ý chuyển đổi là vi phạm. Tất cả các hành vi vi phạm là phải xử lý không có vùng cấm, kể cả nguyên chủ tịch UBND xã cũng phải xử lý.

Quan điểm của huyện nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm về đất đai mà lãnh đạo xã không kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý và báo cáo huyện thì huyện sẽ xử lý vi phạm đó, nhưng trước khi xử lý sẽ xử lý cán bộ địa phương trực tiếp quản lý – ông Hải nhấn mạnh.

Toàn cảnh hàng ngàn m2 đất nông nghiệp bị “băm nát” nhằm chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất.

Để thượng tôn pháp luật, đồng thời đảm bảo giữ gìn môi trường và mặt bằng đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn xã Tự Tân nói riêng và huyện Vũ Thư nói chung, chúng tôi kính đề nghị UBND huyện Vũ Thư, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Vũ Thư vào cuộc xác minh, kiểm tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đối với nguyên chủ tịch UBND xã Tự Tân Trần Văn Đông.

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin./

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích