Vụ thang máy tự do ở chung cư HH Linh Đàm, khuyến cáo về yêu cầu an toàn thang máy theo quy chuẩn

Theo thông tin từ người dân chung cư HH2C (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), vào khoảng 7h30 phút sáng ngày 26/8/2024 đã có 3 lần xảy ra sự cố thang máy. Một lần thang rơi tự do 18 tầng. Lần hai có người vào thang sau chui ra suýt bị kẹp đầu. Lần ba thang tụt xuống tận đáy. Sau sự việc, nhiều cư dân khác bức xúc phản ánh đây không phải lần đầu xảy ra sự việc sự cố thang máy dù Ban Quản lý đã triển khai bảo trì.

Liên quan đến sự việc, Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã cử cán bộ xuống hiện trường xác minh. Hiện, Công an phường Hoàng Liệt đang tiếp tục xác minh, làm rõ.

Theo ghi nhận, vụ việc không gây thương tích cho người dân, tuy nhiên đã khiến nhiều người bức xúc. Qua sự việc này, công an sẽ rà soát tất cả hệ thống thang máy của các tòa nhà chung cư để đánh giá và có biện pháp về an toàn.

Thực tế, từ trước tới nay đã có không ít vụ rơi thang máy tự do tại các khu chung cư, trung tâm thương mại khiến người dân không khỏi lo lắng. Từ vụ việc lần này chính là lời khuyến cáo về sử dụng, vận hành, an toàn khi thiết kế, sản xuất, lắp đặt thang máy cần tuần thủ nghiêm ngặt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 

Hiện nay tại Việt Nam, Quy chuẩn quốc gia QCVN 02:2019/BLĐTBXH đã được ban hành. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về an toàn lao động đối với thang máy chở người hoặc chở người và hàng lắp đặt mới, cố định, vận hành bằng dẫn động ma sát, cưỡng bức hoặc dẫn động thủy lực, phục vụ những tầng dừng xác định, có cabin được thiết kế chở người hoặc chở người và hàng được treo bằng cáp, xích hoặc được nâng bằng xi lanh – pít tông và chuyển động giữa các ray dẫn hướng có góc nghiêng không vượt quá 15o so với phương thẳng đứng.

Hình ảnh sự việc thang máy rơi tự do tại chung cư HH2C – Linh Đàm, Phường Hoàng Liệt. Ảnh: Minh Ngọc

Thang máy và bộ phận an toàn của thang máy phải tuân thủ các yêu cầu tại quy chuẩn này. Thang máy lắp đặt tại các công trình mà có tài liệu chứng minh đã được thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng trước ngày quy chuẩn này có hiệu lực hoặc thang máy lắp đặt tại các tòa nhà đang sử dụng, do sự hạn chế của kết cấu tòa nhà, một số yêu cầu của quy chuẩn này không thể đáp ứng được thì áp dụng TCVN 6396-21 (EN 81-21).

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn này, các thang máy phải đảm bảo các yêu cầu bổ sung theo quy định pháp luật chuyên ngành trong các trường hợp đặc biệt (như: Thang máy sử dụng cho người khuyết tật, thang máy gia đình, thang máy chữa cháy, thang máy sử dụng trong các điều kiện môi trường có nguy cơ gây cháy nổ, điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, điều kiện về địa chấn, vận chuyển các hàng hóa nguy hiểm…).

Tất cả các thiết bị của thang máy phải nằm trong giếng thang hoặc trong buồng máy hoặc buồng puli. Giếng thang, buồng máy và buồng puli không được sử dụng cho mục đích khác ngoài thang máy. Không được chứa các ống dẫn, cáp hoặc các thiết bị khác không phải cho thang máy trong những không gian này.

Giếng thang, buồng máy và buồng puli không được sử dụng để cung cấp đường thông gió cho các phòng không thuộc hệ thống thang máy. Việc thông gió phải được thực hiện sao cho các thiết bị và động cơ, cũng như các dây cáp điện được bảo vệ khỏi bụi, hơi khói có hại và ẩm ướt. Giếng thang phải được trang bị hệ thống chiếu sáng bằng điện lắp đặt cố định, với cường độ chiếu sáng.

Các không gian và khu vực làm việc gắn liền với công việc bảo trì, kiểm tra và các hoạt động cứu hộ phải được bảo vệ một cách phù hợp khỏi những ảnh hưởng của môi trường. Phải trang bị các bảng thông báo để dễ dàng nhận biết các công tắc nguồn và công tắc đèn. Nếu sau khi ngắt công tắc nguồn, mà vẫn còn một số bộ phận mang điện (do kết nối liên thông giữa các thang máy, đèn…) thì phải có các bảng thông báo chỉ rõ điều này.

Các cửa tầng hoàn chỉnh, cùng với khóa cửa, và cửa cabin phải đạt độ bền cơ học sao cho khi cửa tầng ở vị trí khóa và cửa cabin ở vị trí đóng bảo vệ khỏi rủi ro rơi ngã.

Trong quá trình vận hành bình thường, không thể mở cửa tầng (hoặc bất kỳ cánh cửa nào trong trường hợp cửa nhiều cánh), trừ khi cabin đã dừng, hoặc ở vị trí dừng nằm trong vùng mở khóa của cửa đó. Vùng mở khóa không được vượt quá 0,20 m ở phía trên và phía dưới mặt sàn của tầng. Tuy nhiên, trong trường hợp cửa tầng và cửa cabin dẫn động bằng cơ khí vận hành cùng lúc với nhau thì giới hạn vùng mở khóa có thể đến tối đa 0,35 m trên và dưới mặt sàn của tầng.

Yêu cầu đối với cửa sập thoát hiểm và cửa thoát hiểm, nếu cửa sập thoát hiểm được lắp trên nóc cabin thì cửa sập phải có kích thước tối thiểu 0,40 m x 0,50 m. Cửa thoát hiểm có thể được sử dụng trong trường hợp các cabin kế nhau, tuy nhiên phải đảm bảo khoảng cách giữa các cabin không lớn hơn 1 m. Trong trường hợp này, mỗi cabin phải được trang bị một phương tiện xác định vị trí của cabin kế cận dùng cho cứu hộ để đưa cabin này về tầng nơi hoạt động cứu hộ sẽ diễn ra.

Bộ hãm an toàn phải có khả năng hoạt động theo chiều đi xuống và có khả năng dừng cabin mang tải định mức, hoặc đối trọng/khối lượng cân bằng tại vận tốc kích hoạt của bộ khống chế vượt tốc, hoặc nếu thiết bị treo bị đứt, bằng cách kẹp vào ray dẫn hướng, và giữ cabin, đối trọng/khối lượng cân bằng tại đó.

Quy định đối với các thiết bị điện, tất cả các bộ truyền động điều khiển phải được lắp sao cho có thể dễ vận hành và bảo trì từ phía trước. Nếu cần phải tiếp cận để bảo trì định kỳ hoặc cân chỉnh thì thiết bị tương ứng phải được đặt ở vị trí từ 0,40 m đến 2,0 m ở phía trên khu vực làm việc. Các đầu nối phải ở vị trí ít nhất là 0,20 m phía trên khu vực làm việc và được lắp sao cho các dây dẫn hoặc cáp có thể dễ dàng nối đến chúng. Các yêu cầu này không áp dụng cho các bộ truyền động điều khiển trên nóc cabin. Nhà sản xuất thang máy phải đưa ra quy trình bảo dưỡng, bảo trì thích hợp để đảm bảo an toàn cho người trong quá trình bảo dưỡng, bảo trì.

Các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thang máy sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường hoặc trong quá trình sử dụng phải có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, bao gồm: Lý lịch thang máy như mã hiệu, số chế tạo, nhà chế tạo, năm sản xuất, nơi sản xuất. Đặc tính kỹ thuật kỹ thuật gồm công dụng, tải trọng, vận tốc, số điểm dừng, loại dẫn động, hệ thống điều khiển thang máy, đặc tính của cáp, ray dẫn hướng, môi trường làm việc của thang máy… Các bản vẽ kỹ thuật về. Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo trì, quy trình ứng cứu/xử lý sự cố khẩn cấp, khuyến cáo kỹ thuật của nhà sản xuất trong quá trình sử dụng đối với thang máy.

Thang máy trong quá trình sử dụng phải được bảo trì định kỳ ít nhất 03 (ba) tháng một lần. Đối với các thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga…) thì thời hạn bảo trì định kỳ ít nhất 01 (một) tháng một lần.

Phải tuân thủ các quy định tại quy chuẩn này và đảm bảo an toàn trong quá trình lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy. Phải đặt các biển cảnh báo, biển chỉ dẫn hoặc rào chắn để ngăn ngừa những người không có thẩm quyền tiếp cận vào khu vực đang thực hiện công việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa thang máy. Ghi chép về những nội dung kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì vào lý lịch của thang máy.

Quy chuẩn này cũng quy định, thang máy trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn này bởi tổ chức chứng nhận được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định hoặc thừa nhận. Phải được gắn nhãn theo quy định. Phải công bố hợp quy theo quy định và chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đơn vị sản xuất, cung cấp thang máy phải tuân thủ các quy định về an toàn trong quá trình sản xuất, cung cấp thang máy. Nội dung chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy.

Việc đánh giá chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy phải bao gồm các nội dung sau: Kiểm tra về các hồ sơ thiết kế, lý lịch thang máy. Thực hiện kiểm tra/thử nghiệm các bộ phận/thiết bị an toàn của thang máy được nêu tại mục 1.3.7 của quy chuẩn này theo các yêu cầu quy định tại mục 5 của TCVN 6396-50:2017.

 An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích