Vụ TGDĐ tự giảm tiền thuê: ‘Với doanh nghiệp lớn và niêm yết, việc hành xử đúng luật là bắt buộc’

Vụ TGDĐ tự giảm tiền thuê: 'Với doanh nghiệp lớn và niêm yết, việc hành xử đúng luật là bắt buộc'
Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch LP Group.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Thế Giới Di Động đơn phương thông báo tới các đối tác rằng công ty này sẽ không đóng tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa với lý do dịch bệnh.

Cụ thể, Thế Giới Di Động đề nghị được hỗ trợ không tính tiền thuê và không thanh toán 70% khi cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch, không thanh toán 100% lúc đóng cửa hoàn toàn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, đồng thời tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo.

Đoạn trích trong Hợp đồng giữa Thế Giới Di Động và một bên cho thuê. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Về vấn đề này, LS Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch LP Group, cho rằng nếu đúng bản hợp đồng thuê mặt bằng mà bên cho thuê cung cấp cho báo chí với điều khoản về “sự kiện bất khả kháng” không rõ ràng như vậy, vấn đề “dịch bệnh” không thể xác định là lý do bất khả kháng để giải quyết xung đột hợp đồng giữa Thế Giới Di Động và chủ mặt bằng.

Cũng theo LS Nguyễn Văn Lộc, về nguyên tắc, nếu hợp đồng không có quy định thì phải tham chiếu quy định pháp luật. Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ sự kiện bất khả kháng là “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

“Việc tạm ngừng kinh doanh của các đơn vị mặt bằng vì dịch bệnh vừa qua được xem là một sự kiện bất khả kháng, nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là bên thuê nếu muốn không thanh toán tiền thuê thì phải chứng minh họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép mà vẫn không thể khắc phục được hậu quả”, LS Nguyễn Văn Lộc nói.

Ngoài ra, theo vị luật sư, hợp đồng cho thuê mặt bằng là thỏa thuận dân sự, nếu không có thảo thuận rõ ràng về vấn đề pháp lý, bất kỳ sự thay đổi nào trong việc thực thi hợp đồng cũng phải do hai bên đồng ý, Hành động đơn phương của một bên mà gây thiệt hại cho bên còn lại sẽ bị xem là trái luật.

Giả sử nếu bên cho thuê mặt bằng không đồng ý thì bên thuê cũng chỉ có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu “sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản” khi xác định dịch bệnh là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

“Cả hai trường hợp nêu trên, nếu có xung đột dẫn đến tranh chấp thì cơ quan tài phán sẽ có phán quyết chứ không thể một bên tự đưa ra phán quyết đơn phương được. Cho dù nhiều người cho thuê đồng ý giảm tiền thuê thì người đi thuê cũng không có quyền áp dụng tương tự cho người còn lại, vì mỗi chủ thể là một bên trong quan hệ pháp lý, cần tôn trọng.

“Bên thuê mặt bằng khó khăn thì bên cho thuê cũng có khó khăn của họ, hành động của bên nào cũng cần thượng tôn pháp luật. Với những doanh nghiệp lớn và niêm yết, việc hành xử đúng luật là bắt buộc thay vì hành xử vô lý để rồi nhận hậu quả sau này, trong đó có quyền lợi của cổ đông”, luật sư nhấn mạnh.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích