Vụ ô nhiễm bãi rác tại TP Pleiku: Khắc phục theo kiểu chống chế

Vụ ô nhiễm bãi rác tại TP Pleiku: Khắc phục theo kiểu chống chế

A LỰC – CHI HUỲNH –  Thứ tư, 29/09/2021 12:13 (GMT+7)

Nước thải từ bãi rác xã Gào, TP Pleiku (Gia Lai) đổ ra rừng thông đã được chặn lại sau khi bị phản ánh. Tuy nhiên, nước thải tại đây được khơi thành dòng để chảy trực tiếp vào hồ sinh học số 3 thay vì chảy vào hồ số 1 theo như quy trình xử lý nước thải.

Sau khi MT&ĐT đăng tải bài viết “Gia Lai: Nước thải từ bãi rác tại TP Pleiku có nguy cơ “bức tử” rừng thông” ngày 24/9/2021 phản ánh tình trạng nước thải từ bãi rác có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, kèm bọt trắng từ nhiều hướng chảy ra môi trường xung quanh và đổ vào rừng thông từng ngày, làm cho nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

tm-img-alt

Nước thải từ bãi rác có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, từ nhiều hướng chảy ra môi trường xung quanh.

Để tìm hiểu rõ hơn, chiều 27/9 PV đăng ký làm việc với UBND xã Gào. Tại đây, ông Trần Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND Xã cho biết: Bãi rác xã Gào do Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai quản lý và vận hành, xử lý 160 tấn rác/ngày. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh về vấn đề ô nhiễm của bãi rác, không những về nước thải mà còn bốc mùi hôi thối, và ruồi nhặng.

Xã cũng mong muốn Thành phố sớm kêu gọi xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung. Rác thải cần phân loại để xử lý nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường chứ không thể sống chung với rác được. Với tình trạng này, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và làm ô nhiễm mạch nước ngầm.

Sau đó, ông Thanh đề nghị cùng với PV vào bãi rác xã Gào để kiểm tra thực tế. Theo ghi nhận của PV tại bãi rác xã Gào vào chiều 27/9, nước thải phía cuối bãi rác chảy qua hàng rào lưới và đổ ra rừng thông đoạn giáp với đường Hồ Chí Minh đã được khắc phục.

tm-img-alt
tm-img-alt

Tại khu vực giáp với các hồ sinh học, nước thải được khơi thành dòng chảy tràn ra 1 đoạn mương và được đắp bờ sau đó đổ vào hồ sinh học số 3.

Tuy nhiên, tại khu vực giáp với các hồ sinh học (đoạn giáp với rừng thông), nước thải được khơi thành dòng chảy tràn ra 1 đoạn mương và được đắp thành bờ sau đó đổ vào hồ sinh học số 3. Điều đáng nói ở đây, theo quy trình, nước thải từ bãi rác được thu gom và chảy lần lượt qua hồ sinh học số 1, số 2, rồi mới được chảy qua hồ số 3 (Theo thiết kế nước thải (nước rỉ rác) được thu gom xử lý bằng 03 hồ sinh học (hồ kỵ khí dung tích khoảng 3.000 m3; hồ hiếu khí tùy tiện dung tích khoảng 4.000 m3. Bãi lọc sinh học dung tích khoảng 8.000 m3).

Tương tự như vậy, tại khu vực đường mòn đi vào bãi rác đoạn giáp với đường Hồ Chí Minh, nước thải từ bãi rác cũng chảy thành dòng sau đó đổ vào hồ sinh học số 3 mà không chảy vào hồ số 1 theo như quy trình xử lý.

Theo cam kết, nước thải sau xử lý (nước chảy vào hồ số 3) đạt nước thải loại B có thể tưới cây, thời gian sử dụng từ 9 -10 năm. Nhưng nước thải tại đây, thay vì chảy vào hồ số 1 để lắng lọc theo quy trình thì lại được khơi dòng chảy trực tiếp vào hồ số 3.

tm-img-alt
tm-img-alt

Tại khu vực đường mòn đi vào bãi rác đoạn giáp với đường Hồ Chí Minh, nước thải từ bãi rác cũng chảy thành dòng sau đó đổ vào hồ sinh học số 3 mà không chảy vào hồ số 1 theo như quy trình.

Việc “cố ý” đưa nước thải nguy hại từ bãi rác chảy trực tiếp vào hồ sinh học số 3 mà chưa được xử lý có nguy cơ ảnh hưởng mạch nước ngầm, làm hủy hoại môi trường. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai nhanh chóng kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Môi trường và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích