Vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm: Đề nghị di dời căng tin đến một nơi khác
Mới đây, liên quan vụ 23 học sinh trường THCS & THPT huyện Kiên Hải (Kiên Giang) bị ngộ độc thực phẩm, TTYT huyện đã có đề nghị Ban giám hiệu Trường xem xét di dời địa điểm bán căng tin của trường đến một khu vực khác để đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, TTYT huyện cũng đề nghị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tạo điều kiện khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở và nhân viên trong khu vực chế biến.
Theo kết quả điều tra ngộ độc kết luận: Do các học sinh không cùng ăn một món ăn trong cùng một bữa ăn sáng tại căng tin trường học nên không thể kết luận được món ăn chính xác gây ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, dựa vào tỉ lệ tấn công giữa các món ăn và cách tính loại trừ, xác định món cơm gà và cơm sườn có tỉ lệ tấn công cao nên món ăn nghi ngờ gây ngộ độc là cơm gà, cơm sườn.
Trước đó, Khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu có tiếp nhận một số em học sinh ở trường THCS & THPT Kiên Hải nhập viện với biểu hiện sốt, đau bụng, tiêu lỏng, nôn ói. TTYT huyện Kiên Hải phối hợp cùng trạm Y tế xã Hòn Tre đến Khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu TTYT huyện Kiên Hải phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm huyện và đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm xã thực hiện công tác điều tra ngộ độc thực phẩm tại cơ sở căng tin trường.
Học sinh bị ngộ độc. Ảnh Laodong
Theo Trường THCS & THPT Kiên Hải cho biết, trường có hợp đồng với căng tin trường do ông N.V.C đứng tên. Sau buổi ăn sáng với thực đơn 4 món cơm gà, cơm sườn, bún riêu, bánh mì thì khoảng 22h ngày 23.9 có khoảng 5 em học sinh nhập viện với các triệu chứng sốt cao, đau bụng, tiêu lỏng, nôn ói… Đến 6h sáng ngày 25.9, số học sinh nhập viện có cùng triệu chứng tăng thêm, tổng số là 23 người (22 em học sinh và 1 người lớn).
Đội điều tra ngộ độc thực phẩm của TTYT huyện Kiên Hải làm việc với Ban giám hiệu nhà trường và hướng dẫn nhà trường thông báo cho giáo viên chủ nhiệm và gia đình đưa học sinh đến TTYT huyện thăm khám nếu học sinh có biểu hiện không khỏe. Hiện tại, tình trạng sức khỏe ổn định, tất cả đã xuất viện.
Tại thời điểm xảy ra ngộ độc, TTYT huyện Kiên Hải phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm huyện và đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm xã tổ chức kiểm tra cơ sở căng tin trường THCS & THPT do ông N.V.C đứng tên. Đoàn kiểm tra nhận thấy cơ sở chưa đảm bảo vệ sinh, xung quanh khu chế biến có một công trình vệ sinh lò đốt rác sinh hoạt của khu vực dân cư, có nhiều ruồi quanh khu vực căng tin và lò đốt rác.
Nguồn nước sử dụng cho việc nấu ăn chưa đảm bảo vệ sinh (nước giếng khoan không qua hệ thống lọc). Cơ sở không có sổ kiểm thực ba bước; không thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày, không trang bị bảo hộ lao động cho nhân viên chế biến thức ăn. Có giấy khám sức khỏe định kỳ của chủ cơ sở và nhân viên 2/4 người nhưng đã hết hạn gần 1 tháng. Không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của một số thực phẩm mua vào để chế biến như: thịt gà, thịt heo, bì heo, phụ gia, phẩm màu…
Bếp ăn tập thể được hiểu là nơi chế biến, nấu nướng đồ ăn và phục vụ bữa ăn hàng ngày cho nhiều người cùng ăn với nhau hoặc cũng có thể cung cấp các suất thức ăn cho nơi khác.
Căn cứ Điều 30 Luật An toàn thực phẩm 2010, trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, bếp ăn tập thể phải đảm bảo các yêu cầu sau:
• Sử dụng thực phẩm và nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn và lưu mẫu thức ăn.
• Thực phẩm phải được chế biến đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh.
• Thực phẩm bày bán phải được đặt trong các tủ kính hoặc các thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, có thể chống mưa, nắng, bụi bẩn và sự xâm nhập của côn trùng, các loại động vật khác gây hại, thực phẩm được bày bán trên bàn hoặc trên giá cao hơn mặt đất.
Theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm 2010, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
d) Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
đ) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
e) Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Thanh Hiền (t/h)