Vụ chặt 392 cây gỗ muồng đen ở Đắk Lắk: Vẫn chưa xử lý những người đứng đầu

Vụ chặt 392 cây gỗ muồng đen ở Đắk Lắk: Vẫn chưa xử lý những người đứng đầu

MTĐT –  Thứ tư, 17/11/2021 17:35 (GMT+7)

Vụ việc kéo dài suốt năm qua, nhưng các cấp tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa xử lý những người đứng đầu liên quan đến hành vi chặt tài sản công trái phép này.

Mới đây, ông Phạm Văn Tịch, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp (BQLKCN) tỉnh Đắk Lắk cho biết đang chờ UBND tỉnh ra kết luận liên quan đến việc lãnh đạo Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú (Cty Hòa Phú) chỉ đạo chặt 392 muồng đen bên trong Khu công nghiệp Hoà Phú

“Sở Tài chính đã báo cáo liên quan đến vụ chặt gỗ muồng, qua đó đã xác định được số lượng bị thiệt hại. Trước đây (cuối tháng 11/2020-PV), khi phát hiện hành vi chặt cây trái phép này, tôi đã yêu cầu dừng, nhưng lãnh đạo Cty Hòa Phú (ông Đa Văn Minh, Giám đốc Cty Hòa Phú-PV) không chấp hành”, ông Tịch cho hay.

Cũng theo ông Tịch, Cty Hòa Phú là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc BQLKCN tỉnh Đắk Lắk quản lý. Số cây muồng đen này do UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Cty Hòa Phú làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý.

“Có 172 cây gỗ muồng bị chặt trái phép được xác định là tài sản công. Tôi đã mời công an, lãnh đạo các sở ngành để ngăn chặn việc chặt cây này, nhưng ông này (ông Đa Văn Minh-PV) vẫn chống đối và không chấp hành”, ông Tịch nói. Vị này cũng không nắm được số gỗ muồng bị chặt có khối lượng bao nhiêu và ông Minh đã bán hay chưa.

Tại báo cáo 2362 ngày 10/8/2021 gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính Đắk Lắk xác định, trong tổng số 392 cây xanh (chủ yếu muồng đen) bị chặt hạ, có 220 gốc cây được xác định là tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc; 172 cây còn lại thuộc tài sản công được hình thành trong quá trình quản lý, sử dụng đất và hoạt động kinh doanh của Cty Hòa Phú. “Việc tự ý khai thác, chặt hạ cây xanh là trái với quy định của pháp luật”, báo cáo của Sở Tài chính.

tm-img-alt
tm-img-alt
Có hơn 200 cây gỗ đường kính từ 20-40cm bị chặt hạ.

Trước đó, ngày 23/11/2020, BQLCKCN tỉnh Đắk Lắk phát hiện dọc tuyến bờ rào kho ngoại quan (giáp ranh khu vực quy hoạch trồng cây xanh vui chơi giải trí – thể dục thể thao) của KCN Hòa Phú có 2 người đang dùng cưa lốc chặt hạ cây muồng đen chưa rõ mục đích.

Kết quả kiểm đếm của cơ quan chức năng xác định có hơn 200 cây muồng đen, chiều dài từ 2 – 3,5m, đường kính từ 20 – 40cm (chưa xác định được khối lượng cụ thể) trong KCN Hòa Phú đã bị chặt hạ.

Trên cơ sở đó, BQLKCN tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Công ty Hòa Phú kiểm tra, lập biên bản vi phạm và yêu cầu cá nhân chấm dứt ngay việc khai thác trái phép này, đồng thời phải giữ nguyên hiện trạng để xin ý kiến xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thế nhưng, ông Đa Văn Minh – Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú sau đó vẫn chỉ đạo chặt cây trên bất chấp cấp trên yêu cầu dừng.

Ông Đa Văn Minh lại cho rằng số cây muồng nói trên là do chính ông bỏ tiền túi ra mua. Ông Minh cho biết, trước đây do khu vực này bị sạt lở, đơn vị xin kinh phí để trồng cây nhưng không được. Do đó, ông đã bỏ tiền để mua cây về trồng.

Ông Minh cũng cho rằng, giá trị số gỗ muồng này còn thấp hơn tiền công mà ông đã thuê người dân chặt. Việc ông thuê người chặt hạ số cây muồng trên chỉ là vì khu vực này nay đã ổn định (không còn sạt lở) nên dọn dẹp để trả lại mặt bằng cho KCN.

Căn cứ luật bảo vệ môi trường, BQLCKCN tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc bảo vệ cây xanh quanh KCN Hòa Phú góp phần hạn chế các chất độc hại, các khói bụi công nghiệp nặng; ngăn cản sự di chuyển đi xa của các tác nhân gây mưa acid xung quanh khu vực KCN.

Một lãnh đạo BQLCKCN tỉnh Đắk Lắk cho biết, Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú là đơn vị có 100% là vốn của Nhà nước. Cây trồng là cây xanh cách ly KCN với dân cư, khu vực này có độ dốc cao để chống sạt lở. Do đó, Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú không có quyền tự ý chặt phá cây./.

PV(T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích