Vụ án Alibaba: Sẽ trả lại tiền cho bị hại có đơn yêu cầu thi hành án
Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại trong vụ án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thông báo đến những người bị hại trong vụ lừa đảo của Công ty Alibaba. Cụ thể, những ai chưa làm đơn yêu cầu thi hành án thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo hợp lệ, đề nghị liên hệ với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM (địa chỉ số 372A Nguyễn Văn Lượng, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM) để làm đơn yêu cầu theo quy định.
Hết thời hạn nêu trên, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ thanh toán tiền cho những người đã có đơn yêu cầu thi hành án.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện trong một phiên xét xử. |
Việc thanh toán tiền cho những người đã có đơn yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022) và Điều 49 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết đến ngày 25/9/2023 còn 3.390 bị hại chưa nộp đơn yêu cầu thi hành án.
Trước đó, ngày 16/8, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cũng cho biết cơ quan này đã ra các quyết định thi hành án theo yêu cầu cho 31 bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện…
Theo bản án, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện, làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật, như: Đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư, để huy động tiền từ khách hàng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư, do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại, theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ “trái phép” mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa hơn 4.500 người với số tiền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng.
Để đảm bảo công tác thi hành án sau này, Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM đã kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn, trong đó có giá trị lớn nhất là kê biên 652 thửa đất, có tổng diện tích hơn 4.480.697m2, ước tính trị giá hơn 1.536 tỷ đồng; tạm giữ tiền đặt cọc thuê nhà trên địa bàn TP.HCM của Công ty Alibaba hơn 1,6 tỷ đồng…
Ngày 29/12/2022 Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án tù chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc Nguyễn Thái Luyện và vợ là bị cáo Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường số tiền hơn 2.400 tỷ đồng cho hơn 4.500 bị hại; buộc bị cáo Võ Thị Thanh Mai phải nộp lại số tiền 13 tỷ đồng thu lợi bất chính.
Nguồn: Báo lao động thủ đô