Vụ 150 trẻ tử vong ở Indonesia: Phạt nặng 2 công ty sản xuất siro ho

Vụ 150 trẻ tử vong ở Indonesia: Phạt nặng 2 công ty sản xuất siro ho

An Na –  Thứ tư, 02/11/2022 16:23 (GMT+7)

Hai công ty dược phẩm bị tước giấy phép sau khi thay đổi nhà cung cấp thành phần của siro và loại đang sử dụng bị nhiễm độc.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) hôm 31-10 cho biết đã thu hồi giấy phép sản xuất thuốc dạng siro của 2 công ty địa phương trong quá trình điều tra cái chết của 150 trẻ em được cho là liên quan tới siro ho.

Theo Reuters, động thái thu hồi giấy phép liên quan đến “vi phạm các quy định về sản xuất”.

Quyết định của BPOM được đưa ra sau khi nước này tạm thời cấm bán một số thuốc làm từ siro và xác nhận sự hiện diện của ethylene glycol và diethylene glycol trong một số sản phẩm. Đây là những chất có thể gây ra tử vong do tổn thương thận cấp tính (AKI), hầu hết ở trẻ dưới 5 tuổi.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Trước đó, Indonesia đã báo cáo 150 trường hợp trẻ em tử vong trong thời gian qua do tổn thương thận cấp tính cùng nhiều trẻ khác bị ảnh hưởng thận sau khi có dùng một số loại siro ho.

Theo lãnh đạo BPOM Penny K. Lukito, hai công ty PT Yarrindo Farmatama và PT Universal Pharmaceutical Industries đã sản xuất thuốc dạng siro không đạt tiêu chuẩn, không báo cáo sự thay đổi thành phần và sử dụng một số nguyên liệu vượt quá quy định.

Trong một tuyên bố, PT Yarrindo Farmatama phủ nhận việc sử dụng nguyên liệu thô không đạt tiêu chuẩn và cho rằng BPOM đã chấp thuận việc họ thay đổi thành phần vào năm 2020.

Cũng theo nhà chức trách y tế Indonesia, dung môi được sử dụng trong siro của 2 công ty bị phát hiện chứa tạp chất.

BOPM cho biết thêm sẽ xem xét liệu các nhà phân phối cho 2 công ty nói trên có cung cấp nguyên liệu cho các hãng dược khác hay không.

Indonesia đang điều tra các trường hợp tổn thương thận cấp nghi do siro ho với sự tham vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tổ chức này trước đó cảnh báo về vụ việc tương tự ở Gambia khiến ít nhất 70 trẻ tử vong, bị cho là liên quan đến siro ho của hãng Maiden Pharmaceuticals (Ấn Độ).

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích