“Vòng xoáy” của học hành

Trước hè, ngoài học ở trường, các em học sinh (cấp 1, 2, 3) còn phải học ở trung tâm, nhà thầy, nhà cô để nâng cao kiến thức, đặc biệt là các môn (với học sinh cấp 1, 2) toán, văn, ngoại ngữ. Lý do của việc học thêm không phải vì muốn các con đứng đầu lớp để lấy “danh” cho gia đình, đơn giản chỉ vì trường công quá thiếu, nếu không học thêm sẽ khó chọi được vào trường công cho kỳ sát hạch cuối cấp (lớp 5, lớp 9). Hè năm nay, con tôi vẫn phải cuốn vào “vòng xoáy” đó.

“Vòng xoáy” của học hành
Ảnh minh họa.

Nhớ lại từ lớp 1 đến lớp 7, năm nào vào hè, tôi cũng cho con về quê thăm, ở lại với bà nội 1 tháng. Bước vào tháng 8, quay trở lại Hà Nội đi học theo lịch của nhà trường, tuần đôi ba buổi, nhưng năm nay kế hoạch về quê nghỉ hè bị hoãn, lý do phải để con đi học thêm ở trung tâm!

Chả là, năm nay nhìn bảng tổng kết của con trong cả năm học vẫn được học sinh giỏi, nhưng tối học bài kiểm tra các kiến thức toán, văn thì rất “đuối”. Thấy có điều gì không ổn, lo nếu cứ học kiểu này, khó có cơ hội cạnh tranh vào trường công vài năm tới, nên mẹ cháu quyết định tìm trung tâm dạy học cho cháu đến test thử kiến thức.

Thật bất ngờ, hai môn văn, toán điểm dưới cả trung bình. Cô giáo ở trung tâm “phán”, tiếng Anh khá, nhưng toán, văn kiến thức cơ bản rất hổng! Thôi, “vì tương lai con em chúng ta” đành rút hầu bao cho con đi học thêm. “Không thầy đố mày làm nên”, đúng chỉ hơn 1 tuần, thấy kiến thức toán của cháu khác hẳn. Tự tin hơn, giải các đề rành mạch hơn. Tuy rằng, trước đó, cháu cũng theo học các môn này ở trung tâm của trường mở và do các cô ở lớp dạy. Song, xác định cũng là học cho có, vì một lớp mấy chục bạn cùng học, cô cũng khó kèm kỹ từng em được.

Nghĩ đến cái chuyện dạy, chuyện học, lòng hỏi lòng vì sao lại thế? Khi trấn tĩnh lại, tự lý giải với chính mình. Thứ nhất, bản thân con mình nói riêng và nhiều các cháu học sinh hiện tại nói chung rất lười tự học. Nếu không có bố, mẹ, người lớn kèm, đi học về thay vì học các cháu thích điện thoại (nếu được sử dụng), truyện và các thứ khác hơn tự học. Kiến thức cơ bản trong sách cũng vu vơ theo.

Thứ hai, có thể do sức ép của thành tích liên quan đến bảng xếp loại đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng, nhiều giáo viên, khi đến kỳ thi đành phải cho học sinh một lượng đề nhất định để ôn.

Đến khi thi, kiểm tra kiểu gì cũng rơi vào một số bộ đề đã ôn, điểm vì thế cũng thường cao. Ngoài ra, trường công thiếu, áp lực “chọi” mỗi năm một cao… đây chính là nguyên nhân làm cho vòng xoáy học hành của học sinh ngày một lớn!

PV

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích