Vô rừng, ra biển Cà Mau thỏa thích check-in

(Xây dựng) – Cà Mau được thiên nhiên ban tặng “rừng vàng, biển bạc” là tài nguyên du lịch quý giá khó nơi nào sánh được. Đó là rừng U Minh Hạ bát ngát rừng tràm, Vườn quốc gia và được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau-Khu ramsar thứ 2.088 của thế giới. Du khách đến Cà Mau vô rừng, ra biển check-in thì sẽ thỏa thích vô cùng. Năm 2022, Cà Mau đón hơn 1,5 triệu lượt du khách tham quan trải nghiệm…

Vô rừng, ra biển Cà Mau thỏa thích check-in
Đi vỏ lãi tham quan rừng U Minh Hạ

Rừng U Minh Hạ hoang sơ mời gọi du khách

Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.256ha, thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Rừng U Minh Hạ là rừng ngập nước ngọt có hệ sinh thái rừng tràm, là xứ sở của mật ong U Minh nổi tiếng và là nơi trú ngụ: Rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, lươn, các loại cá đồng và chim muôn. “Rừng vàng” U Minh Hạ có hệ động, thực vật vô cùng phong phú, rất đặc trưng, đặc hữu của vùng đất ngập nước trên lớp than bùn tích tụ lâu năm; là nơi sinh sống của 176 loài thực vật cùng 23 loài thú, 41 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư, 37 loài cá và nhiều loài quý hiếm khác.

Ông Vũ Thống Nhất, một nhà báo chuyên viết về du lịch khi đến rừng U Minh Hạ tham quan cho rằng: “Ghé thăm rừng U Minh Hạ du khách đê mê, sảng khoái bởi không gian bao la, không khí trong lành, chằng chịt kinh rạch; sẽ được lênh đênh trải nghiệm tour xuyên rừng bằng ca nô hay vỏ lãi… Thật thư thái an bình thả hồn ngắm nhìn “chim trời cá nước”, khoảng trời U Minh lấp lánh, ẩn hiện giữa tán rừng bạt ngàn. Thứ nhất là cùng người U Minh vào rừng câu cá, đặt trúm soi lươn, đi hái bồn bồn, sen, súng… Đêm xuống, ngả lưng trên lát giường tre lặng nghe tiếng đồng quê rả rích bên ngoài, tận hưởng làn gió đồng nội trong trẻo vây quanh…

Vô rừng, ra biển Cà Mau thỏa thích check-in
Ăn sáp ong chấm với mật ong món ăn đặc sản Cà Mau

Vô rừng U Minh mà quên thưởng thức sản phẩm từ ong coi như mới đến “cửa rừng”. Sản phẩm sau khi “ăn ong” là mứt ong và tàn ong non. Hãy thử một lần ăn ong non chấm mật tươi vừa được người thợ cắt xuống. Mật ong sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ cho khách thưởng thức, phần thì vắt lấy mật. Ong non được người dân bản địa chế biến thành nhiều món ăn ngon như: Mắm ong, ong non lăn bột chiên giòn, xào, nấu cháo, lẩu, nướng lá chuối… nhưng “đậm đà khó quên”, rất phổ biến là món nhộng ong trộn gỏi. Người thợ phải khéo léo lấy tổ nhộng ong nhúng trong nước sôi để chọn được nhộng ong sạch; đem nhộng ong xào cùng hành phi thơm, cho thêm gia vị cho ngấm rồi đổ vào tô, trộn đều với bắp chuối non đã bào nhỏ, đậu phộng giã, rau hẹ và một chút rau thơm xắt nhỏ, thêm ít mắm chua ngọt và đảo đều là đã đủ hương vị cho một món ăn đặc sản độc đáo. Cũng nhớ mua quà được chế biến thủ công truyền thống, mang nét đặc trưng U Minh Hạ về làm quà như mật ong rừng tràm thiên nhiên nguyên chất, rượu ong, mắm ong, sáp ong, khô cá bổi, khô cá lóc”.

Các trải nghiệm được du khách lựa chọn là tham quan hệ sinh thái rừng U Minh Hạ, cầu làng rừng, gác kèo ong thiên nhiên trong rừng tràm, ăn ong, chụp đìa bắt cá, đổ lợp, đặt trúm, dỡ lờ, giăng lưới, câu cá, thưởng thức ẩm thực hương vị U Minh Hạ với các món như: Gỏi ong non, cá đồng U Minh, lươn, rắn… đờn ca tài tử Nam bộ. Du khách nào muốn trải nghiệm ngủ trong rừng qua đêm để cảm nhận đêm thanh vắng rừng khuya, nghe gió thổi xào xạc của rừng tràm, tiếng chim kêu vượn hú… của một thời khẩn hoang đất Phương Nam, thì lưu trú nhà lá đơn sơ như những nhà của nông dân giữ rừng. Thật là U Minh Hạ, vùng đất kỳ bí đầy quyến rũ.

Ra biển thưởng thức hải vị Cà Mau

Trong những ngày diễn ra Ngày hội Cua Cà Mau – Lần thứ I năm 2022, có dịp theo đoàn Famtrip đến Đất Mũi – huyện Ngọc Hiển, một trong bốn huyện có sản lượng cua nhiều nhất Cà Mau, được quy hoạch phát triển “Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi” trải nghiệm khám phá rừng, biển. Rừng, biển Đất Mũi đẹp vô cùng như cố nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Những dòng sông rộng hơn ngàn thước. Trùng điệp một màu xanh lá đước. Đước thân cao vút, rễ ngang mình. Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước! Tổ quốc tôi như một con tàu. Mũi thuyền ta đó – Mũi Cà Mau”. Ông Trần Xuân Trường – Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết: Nhờ các hoạt động kích cầu du lịch, thông tin quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh du lịch tỉnh Cà Mau đã giúp du lịch nhiều khởi sắc, lượt khách đến Cà Mau ngày càng tăng trở lại và dần đi vào ổn định, có bước phục hồi khá tốt sau dịch Covid-19. Nếu so sánh với năm 2019, các chỉ tiêu đạt gần tương đương. Riêng Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi đã có du lịch cộng đồng, homestay phục vụ cho du khách trải nghiệm khám phá, lưu trú tốt hơn nhiều.

Cano đoàn Famtrip lướt sóng trên những con rạch nhỏ uốn lượn hai bên bờ rừng đước xanh ngát ngút ngàn thật đẹp, đến tham quan các điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi. Ông Quách Văn Ngãi – một chủ điểm du lịch cộng đồng xã Đất Mũi cho biết: Hiện ở ấp Cồn Mũi-xã Đất Mũi đã có 07 điểm du lịch cộng đồng. Điểm du lịch cộng đồng có các dịch vụ: ăn uống, tham quan rừng, biển, trải nghiệm khám phá cắm câu cua, đặt lợp cua, bắt tôm, bắt vọp, bắt ốc len, bắt cá thòi lòi…và lưu trú.

Vô rừng, ra biển Cà Mau thỏa thích check-in
Đất Mũi-Cà Mau điểm đến hấp dẫn

Đến Đất Mũi tham quan trải nghiệm cùng người dân săn bắt hải sản du khách mới cảm nhận được những thú vị. Nhiều du khách thích thú được cắm câu cua, bắt cá rô phi nhỏ hoặc lịch cắt khúc làm mồi, rồi dùng dây thép móc vào (không có lưỡi câu) cắm xuống vuông cua. Chờ cua ăn, một tay nhổ cần câu, nhẹ nhàng nương theo cua kéo lên mặt nước, tay kia cầm vợt thủ sẵn. Khi thấy cua hiện ra, nhanh tay dùng vợt xúc thật nhanh là tóm gọn được cua vào vợt. Đem cua đem lên bờ lại thêm công đoạn kỳ công nhất là trói cua. Đối với ngư dân việc trói cua rất thành thạo dễ dàng nhưng đối du khách trải nghiệm trói cua thì không dễ chút nào, du khách chỉ nên xem ngư dân biểu diễn, vì không khéo tự trói sẽ bị cua kẹp nhất là những cua càng lửa thì rất dữ tợn…

Tham quan các điểm du lịch cộng đồng, điểm dừng chân tại huyện Ngọc Hiển, đến đâu cũng gặp cua. Các điểm du lịch cộng đồng tại Đất Mũi nơi nào cũng sẵn có 5-10 kg cua sẵn phục vụ chế biến món ăn cho du khách. Tại điểm dừng chân Tư Tỵ, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, đã có hàng chục kg cua biển. Nơi đây, đã chuẩn bị sẵn vuông cua để đoàn Famtrip trải nghiệm. Các thành viên của đoàn được trải nghiệm câu và đã bắt được cua, trói cua rất thú vị. Ông Lê Minh Tỵ, chủ điểm du lịch sinh thái trải nghiệm cua Tư Tỵ, bộc bạch chia sẻ: “Bắt cua là nghề của tôi. Tôi đi bắt cua từ những năm 88 (năm 1988), lúc đó cua nhiều lắm. Nhất là mùa mưa đi bắt cua xổm. Mưa xuống cua chui ra hang tha hồ bắt. Đến các hang có cua yếm vuông, mỗi miệng hang có đến 3-4 con. Ngày đó, cua nhiều lắm, phải chọn cua lớn 400-500 gr, bắt bán mới có người mua, chứ cua nhỏ không ai mua. Đi từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều về là quảy cua không nổi… Bây giờ, cua Cà Mau vẫn còn nhưng đã hiếm, ít lại rồi. Cua ở rừng đước bắt 10 con là thịt chắc đến 8 con. Năm nay tỉnh tổ chức Ngày hội Cua Cà Mau, bà con có nghề cua như tụi tui rất háo hức. Cả tháng nay, tôi tái tạo lại những mô hình như ngày xưa, như thời tuổi thơ mình đã từng đi bắt cua để cho du khách trải nghiệm…”

Bây giờ, Cà Mau có nhiều đổi thay diệu kỳ. Xứ sở Cà Mau đang thay da đổi thịt, đưa ngành thủy sản và du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đất Mũi Cà Mau là điểm đến hấp dẫn. Nơi đó, có mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng mũi tàu, đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ, cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi, biểu tượng cua Cà Mau… để tham quan trải nghiệm. Đến Đất Mũi, du khách tha hồ vào rừng đước bạt ngàn xanh tươi hay đi cano ra biển mênh mông để check-in Mũi Cà Mau.

Nhớ một lần đến dự hội thảo bàn về phát triển du lịch Cà Mau, ông Peerapol Triyakasem – Chủ tịch Vietnam Center in Thailand, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution – đã sinh sống ở Việt Nam hơn 30 năm và có nhiều kinh nghiệm làm du lịch cho rằng Cà Mau có nhiều tài nguyên du lịch. Du lịch đường biển Cà Mau nay chưa được đầu tư và khai thác nhưng theo ông Peerapol Triyakasem du lịch đường biển sẽ đầy triển vọng. “Tôi nghe nói tỉnh đang có dự án mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau và nhắm tới cảng biển. Phát triển du lịch đường biển không dễ dàng nhưng Cà Mau có một số điểm thuận lợi để làm tốt du lịch hàng hải, có chi phí thấp hơn nhiều so với du lịch hàng không. Vì vậy, tôi đề xuất kết hợp bến cảng phục vụ đánh bắt thủy sản, đồng thời là cảng du lịch. Hy vọng không bao lâu nữa Cà Mau sẽ đón được tàu du lịch lớn” – ông Peerapol Triyakasem nói. Đồng thời, ông Peerapol Triyakasem đề nghị Cà Mau tổ chức Lễ hội Cua Cà Mau. Cà Mau có đủ điều kiện để tổ chức Lễ hội cua và tin sẽ thành công. Lễ hội là một phần không thể thiếu đối với ngành du lịch, càng nhiều lễ hội càng thu hút được nhiều du khách.

Vô rừng, ra biển Cà Mau thỏa thích check-in
Đoàn Famtrip chụp ảnh biểu tượng Cua Cà Mau

Cà Mau ẩn chứa biết bao giai thoại, khác biệt hơn tất cả nơi khác là nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Cà Mau đã và đang thay “áo mới” đẹp hơn để mời gọi khách lạ ngàn phương như bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn: “Em đứng mình ên một hướng, duyên dáng mời khách lạ ngàn phương. Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em rồi.” Mọi du khách sẽ đặt chân đến Đất Mũi Cà Mau như niềm tự hào: “Ơi… Đất Mũi Cà Mau, nên thơ đẹp giàu, trăm thương ngàn mến…” như lời bài hát “Đất Mũi Cà Mau” vậy.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích