Vợ chồng kiến trúc sư trẻ biến tập thể cũ thành quán cà phê sơn tường đất
Một căn tập thể cũ đã được cải tạo thành quán cà phê với tường sơn bằng đất. Ý tưởng này tuy độc đáo nhưng cũng tạo ra nhiều ý kiến trái ngược.
Tường đất, tường sơn đất từng xuất hiện nhiều trong những ngôi nhà ở Việt Nam trước đây. Nhưng hiện nay, đời sống được cải thiện, những ngôi nhà làm từ vật liệu này đang dần biến mất.
Mới đây, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Trung Kiên đã cùng vợ cải tạo lại một căn tập thể cũ được xây dựng từ năm 1985 thành một quán cà phê được sơn tường đất, tạo ra một không gian hoài niệm xưa.
Khu tập thể cũ xây dựng từ năm 1985.
Hiện trạng căn tập thể trước khi được cải tạo.
Theo anh Sơn, ngoài ý nghĩa về lịch sử, sơn đất lên tường có rất nhiều tác dụng. Đầu tiên là tính thẩm mỹ, sơn đất giúp tường có độ thô và sần. Màu sắc của tường cũng rất đa dạng, vì mỗi loại đất sẽ cho một màu và độ cảm nhận khác nhau.
Sơn đất giúp tường có độ thô và sần và màu sắc đa dạng. |
Tác dụng thứ hai, theo KTS Trung Kiên, là tạo độ thông thoáng cho tường. Lớp đất tự nhiên giúp hơi nước dễ dàng thoát lên bề mặt. Nhà có không khí lưu thông sẽ khiến lớp nước nhanh chóng bay đi, giúp căn nhà luôn thoáng mát và có độ ẩm cao.
Tuy nhiên, độ ẩm cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lo ngại về độ sạch của bề mặt và dễ gây ẩm mốc. Giải thích về vấn đề này, KTS Trung Kiên cho rằng, đất là vật liệu tốt nhưng không phải toàn năng. Vì thế, điểm yếu của vật liệu cần được khắc phục đúng cách.
Theo KTS Nguyễn Hà Hoài Ly (vợ KTS Đoàn Trung Kiên), điểm đặc biệt của đất khi làm vật liệu là mang lại cảm xúc thân thuộc, mang thiên nhiên đến gần con người. Sau cơn mưa, không gian sử dụng vật liệu đất mang lại cảm giác tươi mới. “Hơi đất hơi nồng, không thơm nhưng tạo cảm giác tĩnh lặng, thư thái”, chị Ly nói.
Vật liệu tự nhiên được ưu tiên sử dụng. |
Để hoàn thiện công trình đặc biệt này, chị Ly cùng chồng mất 2 tháng tìm kiếm vật liệu và cải tạo căn tập thể cũ kỹ. Do nhà đã quá cũ, tường ẩm mốc, nền gạch vỡ, vữa sơn bong tróc, điện nước thiếu ổn định… chi phí cho phần sửa chữa và khắc phục ngốn khá nhiều. Để tiết kiệm chi phí, rất nhiều công đoạn, vợ chồng chị tự tay làm.
Để có đất sơn tường, vợ chồng chị Ly đã tự mình ra bãi sông Hồng chọn và xúc mang về rồi phơi khô, đập nhỏ. Đất sau khi phơi và đập nhỏ còn phải trải qua công đoạn sàng mịn và pha chế để trở thành một hỗn hợp rất đặc, giống như bột bả. Do đó, khi sơn, thay vì dùng cây lăn sơn, hai KTS phải tự tay dùng chổi quét từng chút.
Quá trình chuẩn bị vật liệu tốn nhiều công sức. |
Cải tạo lại bằng vật liệu đất đã khó, tìm kiếm vật liệu làm nội thất phù hợp lại càng khó hơn. Bởi vợ chồng chị Ly muốn ưu tiên sử dụng những vật liệu mang tính bản địa cao.
“Chúng tôi sử dụng mành trúc, ghế trúc để tạo cảm giác thân thuộc cho không gian. Những tấm gỗ cốp-pha, pa-lét cũ cũng được tận dụng để làm giá và kệ để đồ cho quán. Đèn cũ, lọ thủy tinh cũ, dây thừng, cành cây… cũng được tái chế để làm nội thất”, KTS Hoài Ly chia sẻ.
Cũng theo chị Ly, phóng cách thiết kế nội thất của quán thiên về tối giản, nhưng có sự kết hợp với phong cách Wabi Sabi. Các tiêu chí gần gũi với thiên nhiên luôn được đề cao. Do đó, sỏi được trải dưới nền để tạo cảm giác thiên nhiên gần gũi.
Theo chị Nguyễn Thái Bảo (Tây Hồ, Hà Nội), một vị khách đã nhiều lần đến quán, điểm thú vị là quán không lắp điều hòa. Dù Hà Nội trải qua những ngày nóng rực lửa, vật liệu đất vẫn giúp quán luôn mát mẻ. Đặc biệt vào những ngày mưa, chị Bảo thường tới quán để hít hà mùi nồng nồng của đất, cảm nhận sự thư thái, mộc mạc mà cuộc sống đô thị ngột ngạt ít khi mang lại.
Một số hình ảnh về quán cà phê sơn tường đất:
Sơn bằng đất giúp vật liệu có chất cảm hơn.
Vật dụng tái chế được tận dụng làm trang trí nội thất.
Mành trúc, ghế trúc để tạo nên một không gian hoài niệm xưa.
Đồ trang trí độc đáo được các KTS tự làm.
Khách đến đây để cảm nhận mùi vị tự nhiên mà các công trình đô thị không mang tới được. (Ảnh chụp trước lúc giãn cách xã hội).
Nguồn: Báo xây dựng