Vợ chồng công nhân quyết bám trụ thành phố

Dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19 nhưng nhiều vợ chồng công nhân trong các khu công nghiệp tại Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục bám trụ lại để làm việc, mưu sinh.

vo chong cong nhan quyet bam tru thanh pho
Dãy nhà trọ dành cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Khó kiếm việc nếu về quê

Những tháng vừa qua là quãng thời gian rất khó khăn với gia đình chị Vi Thỉ Tá (thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Chị Tá nghỉ thai sản được 4 tháng. Chồng chị mới đi làm được gần 1 tháng nay sau khoảng thời gian nghỉ làm (trong đó có thời gian đi cách ly tập trung và tự cách ly ở nhà). Chị Tá không có thu nhập, còn chồng chỉ được hưởng 75% lương, tính ra chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Mới sinh con, nên chị Tá phải chi phí nhiều khoản hơn, ngoài những khoản cố định như: Tiền nhà, điện nước, tiền sinh hoạt… Thời gian vừa rồi, thu nhập giảm, cặp vợ chồng trẻ này phải tiêu lạm vào khoản dành dụm ít ỏi.

“Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng vợ chồng tôi vẫn sẽ tiếp tục ở lại Hà Nội làm việc. Bình thường, về quê đã khó kiếm việc, chắc chỉ có thể làm nương, rẫy. Bây giờ, dịch đang diễn biến phức tạp, kiếm được việc làm, có thu nhập càng khó khăn hơn. Vợ chồng tôi lại mới có con, nên rất cần có tiền để nuôi con, trang trải cho cuộc sống”- chị Tá chia sẻ.

Chị Tá dự định sẽ nhờ bà ra trông cháu khi chị đi làm trở lại.

Không hy vọng mua được nhà ở Hà Nội

Cũng giống như chị Tá, chị Hoàng Thị Hoà vẫn tiếp tục bám trụ làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long. Chị Hoà tâm sự, nhiều khi nghĩ đến cảnh ở trọ lâu năm, cũng ngao ngán lắm, nhưng nếu bây giờ về quê thì sẽ rất khó để kiếm được việc làm. Chị không có nhiều lựa chọn để mưu sinh. Trong khi đó, nếu cả 2 vợ chồng cùng làm công nhân ở thành phố thì có thể kiếm được mười mấy triệu đồng/tháng, nếu chi tiêu tằn tiện thì cũng đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học. Với mức thu nhập này, trong khi có nhiều khoản phải chi, chị Hoà không mong mua được nhà ở đây. Chị cũng chưa biết mình có gắn bó lâu dài với nghề công nhân được không. “Trước mắt, vợ chồng tôi phải kiếm tiền để đủ cho trang trải cuộc sống đã, chứ chưa dám nghĩ đến lâu dài. Được đến đâu, hay đến đó” – chị Hoà tâm sự.

Thời gian vừa qua, vợ chồng chị Hoà cũng lâm vào tình cảnh khó khăn khi phải nghỉ làm ở nhà gần 2 tháng. Mới đây, cả hai anh chị đã được đi làm trở lại. Khi được biết thông tin này, anh chị rất vui mừng, bởi lẽ đi làm có tiền; còn nếu ở nhà, nhiều khoản vẫn phải chi, trong khi thu nhập giảm sâu.

“Tôi chỉ mong dịch sớm được khống chế để công việc ổn định trở lại, có thu nhập đảm bảo cuộc sống”- chị Hoà chia sẻ.

Mong có thu nhập đảm bảo cuộc sống cũng là mong mỏi của vợ chồng anh Đạt, chị Duyên, nhất là khi gia đình nhỏ này sắp có thêm thành viên mới. Cặp vợ chồng công nhân này thuê trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Thời gian này, anh Đạt đang ở quê tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình để đưa vợ đi sinh con đầu lòng. Anh Đạt dự định sẽ nghỉ ở quê để chăm vợ con, cho đến khi nào con cứng cáp thì anh sẽ tiếp tục lên Hà Nội để làm công nhân.

Khi vợ sắp sinh, anh Đạt quyết định trở về quê. Tính cả thời gian cách ly, tự cách ly rồi nghỉ ở nhà, anh Đạt cho biết anh sẽ mất khoảng 3, 4 tháng nghỉ, không có lương. “Sinh con rất tốn kém, tôi cũng muốn tiếp tục đi làm để kiếm tiền, nhưng đành phải về quê vì nhà tôi neo người, không có ai chăm sóc vợ trong thời gian thai sản này”- anh Đạt tâm sự.

Anh Đạt cho biết, nếu tăng ca, làm đủ ngày, không ốm đau, tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng rơi vào khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng tôi có thể tiết kiệm được nửa non số tiền đó – khoảng 7-8 triệu đồng/tháng”- anh Đạt nói.

Tuy vậy, với số tiền tiết kiệm này, anh Đạt cho rằng, rất khó để anh và vợ có thể mua được nhà trên Hà Nội, ít nhất là trong tương lai gần. Anh chị sẽ tiếp thục thuê nhà trọ. Khó an cư, nhưng anh Đạt không có ý định về quê. “Vợ chồng tôi có dự định làm việc lâu dài tại Hà Nội. Về quê, rất khó có thể kiếm được công việc có mức thu nhập như hiện tại. Ngoài ra, vợ chồng tôi đã quen với công việc ở trên này rồi, ngại thay đổi” – anh Đạt bày tỏ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích