Vợ chồng biến căn nhà cũ nát thành nơi “trốn khói bụi” ấn tượng ở làng quê
Cặp vợ chồng quyết tâm dốc toàn bộ tiền tiết kiệm làm lại căn nhà để có chốn tìm về vào những ngày nghỉ giữa làng quê yên bình.
Vương Mỹ Siêu và Tống Soái đều sinh ra tại những ngôi làng miền núi thuộc vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Hai người quen nhau khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học rồi nảy sinh tình cảm yêu đương và nên vợ nên chồng.
Gia đình Tống Soái từng sống trong một căn nhà tọa lạc trên mảnh đất rộng 100m2, có khoảng sân nhỏ 20m2 do tổ tiên để lại. Nhà xây theo kiến trúc thời xưa, nhiều vị trí đã xuống cấp, trông chật chội và bí bách.
Năm 2019, cha của Tống Soái qua đời, còn mẹ đi bước nữa khiến căn nhà rơi vào cảnh hoang lạnh. Vợ chồng Vương Mỹ Siêu và Tống Soái với tư cách người thừa kế quyết định dốc hết tiền tiết kiệm để làm nhà mới trên nền nhà cũ trước khi nó đổ nát hoàn toàn.
“Lúc đầu, mẹ nói chỉ cần cải tạo như những hộ khác trong làng, nhưng vợ chồng tôi quyết tâm và hy vọng làm được căn nhà trên núi có thể sống thoải mái. Địa điểm này ghi dấu ấn nhiều kỷ niệm và là nơi để mong muốn trở về”, Tống Soái tâm sự.
Căn nhà được một kiến trúc sư chuyên tham gia vào những dự án cải tạo không gian sống ở vùng ngoại ô Bắc Kinh lên ý tưởng. Với vị kiến trúc sư này, anh quan niệm, chỉ có cách xây dựng hướng lên phía trên, gia chủ mới có thể giao hòa với tự nhiên, cảm nhận được cảnh núi non, đồng ruộng xung quanh.
Vì gia chủ xác định căn nhà là địa điểm tụ họp của gia đình và bạn bè nên không gian sinh hoạt chung rất quan trọng. Nơi ăn uống, bếp cùng không gian xem tivi, hát karaoke nằm ở tầng 1, còn sân thượng nằm ở tầng 3 và các phòng ngủ nằm ở tầng 2.
Tại tầng 1, kiến trúc sư không thiết kế tường ngăn hoặc cửa ngăn giữa bếp, phòng ăn hay chỗ đặt tivi mà dùng các vách kính. Cho nên, không gian dù nhỏ, vẫn có được sự ấn tượng về tổng thể rộng mở và thông suốt.
Trong căn nhà này, sự độc đáo nằm ở chỗ, có 2 cầu thang riêng biệt. Trong đó, một cầu thang dẫn từ tầng 1 lên tầng 2 là nơi có 3 phòng ngủ, cầu thang còn lại kết nối thẳng từ tầng 1 lên sân thượng tầng 3. Nhờ vậy, không gian riêng tư của gia chủ và không gian sinh hoạt chung được tách biệt hoàn toàn, không ảnh hưởng đến nhau.
Mái nhà bị giới hạn chiều cao xây dựng trong làng khiến sân thượng có hình dáng khá độc đáo. Nơi đây, có bố trí một ghế sofa dài để gia chủ có thể ngắm cảnh làng quê từ trên cao.
Thời điểm cặp vợ chồng xây dựng ngôi nhà là lúc đang xảy ra dịch Covid-19, giá cả các loại vật liệu tăng cao, kinh phí có hạn, song họ đã cố gắng vượt qua để thực hiện kế hoạch. Những người trong làng cảm thấy khó hiểu khi Vương Mỹ Siêu và Tống Soái quyết định về quê xây nhà, trong khi mọi người cố gắng bám trụ thành phố với hy vọng đổi đời.
Sau khi căn nhà hoàn thiện, suy nghĩ của mọi người trong làng thay đổi hoàn toàn. Ai cũng cảm nhận được nét đẹp và sự thoải mái trong không gian sống do cặp vợ chồng xây dựng nên. Nhìn căn nhà đẹp, nhiều người dân không còn muốn lên thành phố, do tự cảm nhận được niềm hạnh phúc khi sống ở chốn làng quê yên bình. “Ngôi nhà của chúng tôi như hình mẫu khiến dân làng nhìn thấy được cuộc sống mới. Bây giờ, nhiều người tìm đến để xin tư vấn, lời khuyên sửa sang lại nhà”, anh Tống Soái chia sẻ.
Căn nhà là chốn để gia đình Tống Soái trở về vào những ngày nghỉ. Anh tổ chức nướng thịt, uống trà, nói chuyện cùng mọi người giúp trút hết âu lo ở chốn thị thành. Vào những ngày thời tiết đẹp, anh còn leo núi, ngắm cảnh toàn bộ thung lũng yên ả, không có tiếng xe cộ ồn ào.
Căn nhà được thiết kế hướng lên phía trên giúp gia chủ cảm nhận được cảnh đẹp của thiên nhiên nhưng không phá vỡ cảnh quan của cả làng. “Đó thực sự là cảm giác tuyệt vời, trải nghiệm này không giống sống ở tòa nhà trong thành phố – nơi thậm chí có thể bạn còn không gật đầu chào hàng xóm”, anh Tống Soái tâm sự về cuộc sống trong căn nhà nơi làng quê.
Nguồn: Báo xây dựng