VIUP tự tin đảm nhiệm các đồ án quy hoạch quan trọng cấp quốc gia và tỉnh
(Xây dựng) – Với đội ngũ cán bộ hùng hậu, có năng lực và kinh nghiệm được đúc kết trong gần 70 năm phát triển, Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) tự hào có thể đảm nhiệm các quy hoạch lớn của quốc gia, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và ngành Xây dựng.
Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm báo cáo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn tại Hội nghị thẩm định. |
Đảm bảo tiến độ và chất lượng các quy hoạch trong năm 2023
Công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đặt ra.
Nhận thức sâu sắc quan điểm này, tập thể lãnh đạo VIUP đã chỉ đạo cán bộ, viên chức và người lao động của Viện tập trung năng lực, huy động mọi nguồn lực sẵn có cũng như phối hợp với nhiều viện nghiên cứu, đơn vị tư vấn quy hoạch trong và ngoài nước để triển khai hàng loạt quy hoạch quan trọng cấp quốc gia, vùng và tỉnh theo Luật Quy hoạch.
Năm 2023 được coi là năm rất thành công, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Viện trong công tác tư vấn quy hoạch. Tính cho đến thời điểm hiện tại, VIUP đã chủ trì hoặc tham gia 4 đồ án quy hoạch cấp quốc gia, 1 đồ án quy hoạch vùng và 20 đồ án quy hoạch tỉnh.
Trong đó, Viện đã tham gia hợp phần Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023).
Về quy hoạch ngành quốc gia, VIUP thực hiện 3 quy hoạch: Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Viện trưởng VIUP Hoàng Vĩnh Hưng báo cáo Quy hoạch vùng Tây Nguyên tại Hội nghị thẩm định. |
Ngoài ra, Viện còn tham gia Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong các đồ án quy hoạch tỉnh, VIUP đang lập quy hoạch cho 2 đô thị lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Về cơ bản, các đồ án đều được triển khai đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, góp phần quản lý một cách hiệu quả không gian vùng lãnh thổ, đất đai đô thị; gắn kết các quy hoạch ngành với nhau; tạo tiền đề cho công tác lập dự án đầu tư xây dựng; thúc đẩy việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.
Phát triển đô thị trở thành động lực phát triển kinh tế
Trong số các quy hoạch nêu trên, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những quy hoạch ngành trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Đây là quy hoạch do VIUP chủ trì thực hiện, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030.
Việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Quy hoạch này sẽ là cơ sở để ngành Xây dựng thống nhất với các ngành trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn, hướng dẫn các địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị – nông thôn, đồng thời là cơ sở để ngành Xây dựng triển khai xây dựng hợp phần Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của quy hoạch này là thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đảm bảo được an ninh lương thực.
Quy hoạch sẽ tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Quy hoạch cũng xác định sẽ xây dựng nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; phát triển hệ thống đô thị Việt Nam có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á – Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm hàng đầu của quy hoạch là phát triển đô thị trở thành động lực giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Nông thôn là nền tảng để phát triển bền vững đô thị. Không gian đô thị, nông thôn gắn với phân vùng phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết hiệu quả với hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.
Đến năm 2030, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt trên 50% với khoảng 1.000 – 1.200 đô thị, bao gồm 4 vùng đô thị (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ). Khu vực đô thị sẽ đóng góp khoảng 85% GDP cho nền kinh tế.
Khu vực nông thôn sẽ được quy hoạch, phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.
Đây sẽ là khu vực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững; giữ ổn định xã hội nông thôn, nâng cao dân trí, bảo đảm an ninh, trật tự…
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, cả nước có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch quan trọng của Hà Nội và TP.HCM
Hiện nay, VIUP đã và đang thực hiện 20 đồ án quy hoạch tỉnh. Trong đó 16 đồ án đã được phê duyệt bao gồm quy hoạch các tỉnh Bắc Giang, Khánh Hòa, Long An, Yên Bái, Nghệ An, Hà Giang, Cao Bằng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Trị, Bình Định, Hòa Bình, Tiền Giang, Gia Lai, Lạng Sơn, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng (Viện lập nội dung đề xuất về kết cấu hạ tầng của ngành xây dựng thuộc dự án Lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng).
2 đồ án đã báo cáo Hội đồng thẩm định, chờ phê duyệt bao gồm Quy hoạch tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Ngoài ra, VIUP còn đang thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch TP.HCM.
Sơ đồ định hướng phát triển không gian Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. |
Trong đó, VIUP là 1 trong 7 đơn vị gồm các viện nghiên cứu đầu ngành, các trường Đại học, các cơ quan, đơn vị của Bộ, ngành tham gia Liên danh tư vấn lập quy hoạch Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án này đã được Hội đồng thẩm định thông qua ngày 23/02/2024.
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, VIUP đảm nhiệm một số nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch.
ThS.KTS Lê Hoàng Phương báo cáo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. |
Đối với nội dung đề xuất ngành/phân ngành, VIUP thực hiện một số công việc như: Đánh giá hiện trạng, xác định tính chất, chức năng và quy mô và phương án phát triển dân số của từng cấp độ đô thị thành phố, thị xã, thị trấn trong thời kỳ quy hoạch; Đánh giá hiện trạng phát triển và phương án quy hoạch phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thông minh, xanh gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Đối với nội dung đề xuất cho các quận, huyện, VIUP nghiên cứu đưa ra đánh giá thực trạng, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất.
Trong đồ án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, VIUP đảm nhiệm một số công việc như: Thu thập và xử lý tài liệu, số liệu; Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển thành phố; Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn thành phố; Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Xây dựng danh mục dự án của thành phố và thứ tự ưu tiên thực hiện; Xây dựng hệ thống bản đồ.
ThS. Phạm Thị Huệ Linh báo cáo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM. |
Ngoài ra, VIUP còn phụ trách các hợp phần: Nghiên cứu phương án phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố; Phương án xử lý chất thải rắn; Phương án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; Phương án phát triển nhà ở đô thị cho người dân TP.HCM; Phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế – xã hội theo lãnh thổ, điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố; Xây dựng phương án kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia và vùng…
Song song với việc tham gia lập 2 quy hoạch nêu trên, VIUP còn là đơn vị chủ trì nghiên cứu lập Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (đã thông qua Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng ngày 16/3/02024) và tham gia Liên danh tư vấn lập Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Điều này sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch lớn và quan trọng của 2 thành phố lớn nhất cả nước.
Việc triển khai nhiều đồ án quan trọng trong thời gian qua đã giúp đội ngũ cán bộ VIUP tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu cho quá trình làm nghề sau này. Quy trình nghiên cứu, phương án phối hợp với các đối tác chuyên môn và chính quyền địa phương khi thực hiện các đồ án dần được hoàn thiện thống nhất trong toàn Viện.
Năng lực của cán bộ trong ứng dụng công nghệ GIS, ứng dụng phần mềm Mapinfor, Argis trong thể hiện hồ sơ đồ án Quy hoạch tỉnh ngày càng được nâng cao. Trong thời gian tới, VIUP sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ GIS trong các đồ án quy hoạch xây dựng để làm công cụ quản lý quy hoạch xây dựng và nền tảng cho đô thị thông minh. Đây là yêu cầu tất yếu trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Quỳnh Lan
(Trung tâm Thông tin, Đào tạo và HTQT- VIUP)
Nguồn: Báo xây dựng