VIUP: Đồng hành cùng ngành Xây dựng
(Xây dựng) – Những năm qua, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển ngành Xây dựng.
VIUP được tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. |
Công tác phục vụ quản lý nhà nước của Bộ
Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn quốc gia (VIUP) được thành lập năm 1956, tiền thân là phòng Đô thị, thuộc Nha Kiến trúc, Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc. Sau nhiều lần thay đổi, hợp nhất, tách rời, tháng 10/2013, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 999/QĐ-BXD đổi tên Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn thành Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.
Theo đó, VIUP là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện các chức năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ để phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực quy hoạch xây dựng bao gồm: Quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật và môi trường, thiết kế đô thị, không gian kiến trúc cảnh quan (gọi tắt là quy hoạch xây dựng); tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế và thông tin về khoa học, thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc.
Trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, VIUP luôn là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành Xây dựng.
VIUP tham gia công tác phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đóng góp hoàn thiện các văn bản pháp quy của ngành về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở. Tham gia các tổ biên tập soạn thảo văn bản pháp luật của Bộ Xây dựng như Luật Quản lý phát triển đô thị 2018; Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng đến năm 2021 tầm nhìn đến năm 2030; Luật Quy hoạch 2017…
Tham gia tổ biên tập và bộ phận giúp việc chuẩn bị báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011 – 2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020) của ngành Xây dựng; Tham gia tổ biên tập xây dựng báo cáo và bộ phận giúp việc cho báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và mục tiêu nhiệm vụ của giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 của ngành Xây dựng.
VIUP đã tham gia góp ý các văn bản pháp luật quan trọng như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều văn bản pháp luật như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quản lý phát triển đô thị, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của các bộ luật trên…
Tham gia nghiên cứu các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở đô thị, nhà ở nông thôn, nhà cao tầng, các loại hình công trình đặc thù; Góp ý vào các chiến lược, chương trình đề án của Bộ Xây dựng; Tham gia các tổ công tác của Bộ Xây dựng về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Tham gia Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Xây dựng; Tham gia Ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng Đề án “Đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị và phát triển đô thị”.
VIUP đã lập Nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Là thành viên các hội đồng thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học, các đồ án quy hoạch, các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Xây dựng chủ trì; Tham gia hội đồng tư vấn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng của Bộ Xây dựng với tư cách trưởng Tiểu ban quy hoạch xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; Phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ để trả lời các văn bản của địa phương có liên quan trong công tác quy hoạch và kiến trúc đô thị…
Thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, lập quy hoạch
Bên cạnh công tác phục vụ quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của VIUP. Với vai trò là viện nghiên cứu đầu ngành về Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, VIUP luôn bám sát thực tiễn các vấn đề cấp thiết, chủ động đề xuất nghiên cứu các đề tài “nóng”, mang tính chất thời sự trong xã hội.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2017 – 2021, Viện đã thực hiện nhiều đề tài trọng điểm của Bộ Xây dựng có giá trị thực tiễn và khoa học cao, trong đó 30 đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế cấp Nhà nước, cấp Bộ Xây dựng, cấp thành phố đã được nghiệm thu.
Các đề tài nghiên cứu đã góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho công tác hoạch định chính sách phát triển của Bộ Xây dựng và các tỉnh thành trong cả nước. Một số đề tài được nghiệm thu và trở thành tài liệu tham khảo có giá trị cho ngành và các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng. Trong đó, có thể kể đến đề tài Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam; Điều chỉnh Định hướng Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến 2035 tầm nhìn đến 2050 có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu… Kết quả này đã chứng minh năng lực và vai trò tiên phong của Viện trong ngành Xây dựng, luôn chủ động và không ngừng nghiên cứu, góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại trong thực tiễn quản lý và phát triển đô thị tại Việt Nam.
Về công tác lập đồ án quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch, là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, VIUP hiện đang triển khai thực hiện nhiều đồ án quan trọng tầm cỡ quốc gia, tiêu biểu như Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được xác định là quy hoạch cấp quốc gia thuộc Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng. Việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Đối với công tác lập đồ án quy hoạch tỉnh, năm 2019, Luật Quy hoạch bắt đầu có hiệu lực và Viện được giao thực hiện một số đồ án quy hoạch tỉnh. Đây là loại hình đồ án mới theo Luật Quy hoạch nên còn tồn tại nhiều vấn đề, gây khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, bằng bề dày kinh nghiệm trong suốt 65 năm qua, Viện đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt hợp phần nghiên cứu đúng tiến độ và yêu cầu chất lượng. Hiện tại, VIUP đang triển khai thực hiện nhiều đồ án quy hoạch tỉnh như quy hoạch tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Trị, Long An, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An, Cao Bằng, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi “Ý tưởng QHC TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060”. |
Đối với công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng, Viện tập trung triển khai nhiều đồ án quy hoạch xây dựng các khu kinh tế lớn như Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050…
Viện còn thực hiện lập quy hoạch một số khu du lịch quốc gia và lập quy hoạch chung đô thị lớn trên toàn quốc như Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050…
Bên cạnh đó, VIUP không ngừng đẩy mạnh lĩnh vực thiết kế kiến trúc và thực hiện kết hợp giữa kiến trúc và quy hoạch trong quá trình sáng tác và triển khai đồ án. Ngoài ra, Viện đã và đang thực hiện nhiều loại hình dịch vụ kỹ thuật khác như khảo sát đo đạc, kiểm định, lập mô hình sa bàn kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn cả nước.
Về hợp tác quốc tế, đây luôn là điểm sáng trong công tác chuyên môn của VIUP giai đoạn vừa qua. Các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu của Viện đa dạng về hình thức và nội dung, gồm các lĩnh vực chính như triển khai các dự án hợp tác quốc tế, các nhiệm vụ hợp tác trong khuôn khổ Nghị định thư hợp tác giữa Việt Nam và các nước; Hợp tác trong nghiên cứu triển khai đồ án quy hoạch xây dựng; Hợp tác trong đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu; Tham gia các hội thảo và viết bài cho tạp chí quốc tế…
Với bề dày truyền thống hơn 65 năm, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Xây dựng các thời kỳ, VIUP tự hào luôn hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần tích cực cho sự phát triển của ngành và của đất nước.
Nguồn: Báo xây dựng