Virus gây bệnh đậu mùa khỉ biến đổi nhanh hơn bình thường

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ biến đổi nhanh hơn bình thường
Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học từ Mỹ, châu Âu và châu Phi cho rằng, việc biến đổi như vậy cũng có nghĩa là sự biến đổi của virus, mức độ nghiêm trọng của dịch và cách nó lây truyền không thể sớm được phát hiện, làm cản trở nỗ lực dập dịch, các nhà khoa học ở châu Phi, châu Âu và Mỹ nói với hãng tin Reuters.

Bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở một số quốc gia châu Phi kể từ năm 1970. Tuy nhiên, hàng chục năm sau đó bệnh này chưa được cộng đồng khoa học và y tế công cộng lưu tâm cho đến khi bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu, buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. Đây là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh. Ngày 14/8 vừa qua, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh mpox bùng phát ở các nước châu Phi với sự xuất hiện của biến thể clade 1b vốn gây quan ngại toàn cầu vì có khả năng lây lan nhanh chóng và có nguy cơ gây tử vong cao hơn.

Chủng này là một biến thể của chủng I, một chủng lây nhiễm khi tiếp xúc với động vật mắc bệnh đã xuất hiện ở Congo trong nhiều thập kỷ. Bệnh đậu mùa thường gây ra các triệu chứng giống cúm, nhưng gây ra những vết loét có mủ và có thể gây tử vong.

Theo WHO, Congo đã ghi nhận hơn 18.000 trường hợp nghi mắc chủng I và chủng Ib bệnh đậu mùa khỉ và 615 trường hợp tử vong trong năm nay. Bên cạnh đó, 222 trường hợp mắc chủng Ib được xác nhận ở 4 quốc gia châu Phi trong tháng trước, cộng với một trường hợp ở Thụy Điển và Thái Lan ở những người từng du lịch đến châu Phi.

Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15/8 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể clade 1b tại quốc gia châu Âu này. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở bên ngoài châu Phi nhiễm biến thể mới này của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Tiếp đó, ngày 22/8, Thái Lan đã xác nhận trường hợp được biết đến là ca đầu tiên ở châu Á nhiễm biến thể clade 1b của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Đây cũng là ca thứ hai nhiễm clade 1b được xác nhận bên ngoài châu Phi.

Tiến sĩ Dimie Ogoina – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Niger Delta ở Nigeria đồng thời là Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ của WHO bày tỏ quan ngại về thực tế rằng virus dường như đang biến đổi và tạo ra những chủng mới. Ông Ogoina cho rằng nếu không nắm rõ được cách thức biến đổi của virus thì cộng đồng y tế sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cách thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như các yếu tố rủi ro.

Tiến sĩ Dimie Ogoina cũng cho biết chủng IIb ở Nigeria phải mất 5 năm để tiến hóa đến mức có thể lây giữa người với người, gây ra đợt bùng phát toàn cầu năm 2022. Chủng Ib đã làm điều tương tự trong vòng chưa đầy một năm.

Giải trình tự gene của các ca nhiễm biến thể clade 1b, mà WHO ước tính xuất hiện vào giữa tháng 9/ 2023, cho thấy chúng mang một đột biến được gọi là APOBEC3.

Virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ thường khá ổn định và đột biến chậm, nhưng các đột biến APOBEC có thể đẩy nhanh quá trình tiến hóa của virus, Tiến sĩ Miguel Paredes, người đang nghiên cứu sự tiến hóa của virus đậu mùa khỉ và các loại virus khác tại Trung tâm Ung bướu Fred Hutchison ở Seattle, cho biết.

Theo ông Paredes, tất cả các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ lây từ người này sang người khác đều có dấu hiệu đột biến APOBEC nói trên, đồng nghĩa với việc virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang đột biến nhanh hơn một chút so với những gì mà giới nghiên cứu dự đoán.

Theo Tiến sĩ Salim Abdool Karim – nhà nghiên cứu dịch tễ học ở Nam Phi đồng thời là Chủ tịch Ủy ban cố vấn bệnh đậu mùa khỉ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi, các biến thể clade 1b và clade 2b về cơ bản có thể được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hầu hết các trường hợp nhiễm đột biến thể clade 1b là ở người trưởng thành.

Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Vì vậy, đó có thể là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em bị nhiễm biến thể clade 1b, đặc biệt là ở Burundi và trong các trại tị nạn ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi điều kiện vệ sinh kém và môi trường sống đông đúc có thể đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Các nhà khoa học theo dõi các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi cho biết họ thậm chí không có đủ các hóa chất cần thiết để làm xét nghiệm chẩn đoán. Trong khi đó, biến thể clade 1b có thể dễ dàng “lọt lưới” ngay cả phương pháp xét nghiệm này.

Ngoài ra, khoảng 50% số trường hợp ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo nơi biến thể clade 1b đang lưu hành, chỉ được các bác sỹ chẩn đoán mà không có xác nhận qua xét nghiệm.

Vì vậy, giới nghiên cứu kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế cũng như khu vực cần khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, lập kế hoạch ứng phó, bao gồm các chiến lược tiêm chủng, nếu không, nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh sẽ gặp không ít khó khăn.

QN (t/h)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích