“Vinh quang Nhà báo chúng tôi”
(Xây dựng) – “Vinh quang Nhà báo chúng tôi” là lời bài hát trong bài “Nhà báo chúng tôi” do nhà báo Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng, người đã yêu nghề báo và đã gắn bó 30 năm với nghề làm báo sáng tác dành tặng cho những nhà báo và những người yêu mến người làm báo.
PGS. TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chúc mừng tác giả đoạt giải. |
Theo nhà báo Tào Khánh Hưng chia sẻ, anh đã viết ca khúc “Nhà báo chúng tôi” để ca ngợi tôn vinh về nghề báo vốn gian nan, vất vả nhưng vinh quang và rất tự hào. Qua đó tri ân các nhà báo đã anh dũng hy sinh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Chia sẻ về hoàn cảnh khi sáng tác bài hát “Nhà báo chúng tôi”, nhà báo Tào Khánh Hưng vẫn còn xúc động: “Tôi viết bài này khi nhớ lại hình ảnh nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư phóng viên thường trú của TTX Việt Nam tại Yên Bái bị lũ cuốn trôi vào năm 2017, khi đang tác nghiệp tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái cùng một đồng nghiệp. Sự cố xảy ra khi Dư đang đứng quay phim trên cầu để phản ánh tình hình mưa lũ khiến nước sông dâng cao. Một nhịp cầu bất ngờ đổ sập xuống và Dư bị nước lũ cuốn trôi. Với tôi, Đinh Hữu Dư là một tấm gương sáng có tinh thần quả cảm, dấn thân quên mình khi tác nghiệp, chính sự dũng cảm hy sinh thân mình trong khi thực hiện nhiệm vụ đã cho những người làm báo chúng ta mãi luôn ghi nhớ, trân trọng”.
“Đối mặt bão giông giữa những dòng đời lũ siết”, tôi muốn nói nghề báo là một nghề nguy hiểm, nhiều cảm bẫy, nhà báo không vững lập trường dễ bị chi phối ngã gục bởi đồng tiền của cơ chế thị trường. Đã có một số nhà báo vì cám dỗ đồng tiền mà gục ngã, bị đồng tiền chi phối làm liều làm ẩu, tống tiền các doanh nghiệp, đã bị bắt… rất đau xót. Con sâu làm rầu nồi canh ấy đã làm hoen ố thanh danh của những nhà báo chân chính, sống vì nghề, dấn thân vì nghiệp báo để thực sự là nhịp cầu thông tin của Đảng tới nhân dân cho ra đời những tác phẩm báo chí hay, mang hơi thở của cuộc có ích cho xã hội.
Vì thế, trong ca khúc tôi có viết: “Bút sắc, lòng trong, tâm luôn sáng ngời”, “tin bài viết ra chẳng hề cong”, bởi theo tôi, sự trung thực không bị đồng tiền chi phối được thể hiện là một điểm nhấn trong ca khúc này. Tôi cũng muốn gửi thông điệp tới các đồng nghiệp trẻ: Một nhà báo ngoài say nghề, chấp nhận dấn thân, thậm chí hy sinh cả tính mạng cũng cần phải có phẩm chất đạo đức tốt, có đạo đức nghề nghiệp sẽ hứa hẹn trở thành một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội, vì lợi ích của đất nước và Nhân dân”, nhà báo Tào Khánh Hưng chia sẻ.
Nhà báo Tào Khánh Hưng hiện là Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng hàng ngày với bồn bề công việc là tổ chức nội dung, biên tập tin, bài duyệt báo trước khi in, xuất bản, tuy nhiên anh lại bén duyên với âm nhạc từ năm 2017.
“Với tôi, âm nhạc như một người bạn chia sẻ nhiều cảm xúc. Có điều không nói được với ai, nhưng qua âm nhạc tôi nói được. Âm nhạc đã mang đến cho tôi niềm vui, thêm yêu cuộc sống và yêu đất nước con người hơn”, nhà báo Tào Khánh Hưng chia sẻ.
Những năm tháng dấu chân in khắp mọi miền đất nước đã tích tụ trong tâm hồn để rồi vang lên những giai điệu, những phóng sự bằng âm nhạc độc đáo. Cả hai lĩnh vực sáng tác ca khúc và viết báo với nhà báo Tào Khánh Hưng đều có một điểm chung là người viết phải có thực tế, có tính sáng tạo, giàu cảm xúc, nhìn nhận một vấn đề cần khách quan, trung thực.
Thiếu tướng Nguyễn Công Bảy – Phó Cục trưởng X03, Bộ Công an trao giấy chứng nhận tác phẩm đoạt giải cho tác giả Tào Khánh Hưng. |
Đến nay, nhà báo Tào Khánh Hưng đã viết gần 30 ca khúc về các lĩnh vực ngành, quê hương đất nước. Mỗi ca khúc của ông như là một câu chuyện kể về vùng quê, con người rất sinh động. Tham gia nhiều cuộc thi sáng tác do Trung ương và địa phương phát động; ông đã vinh dự nhận được 7 giải thưởng âm nhạc. Nhiều người ngạc nhiên vì tinh thần say mê và nhiệt huyết với nghề báo và viết ca khúc. Trong số ca khúc đó “Thương Anh” đoạt giải Nhất nội dung về chiến sĩ cảnh sát PCCC& CHCN; “Tự hào cô giáo trẻ” đoạt giải Ba (cuộc thi không có giải Nhất) về Người Phụ nữ Việt Nam , cuộc thi do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Giải Nhất tác phẩm “Trở về nơi nguồn sáng” được UBND tỉnh Hòa Bình tặng Bằng khen. Giả Nhất tác phẩm “ Khát vọng Đại Từ” của UBND tỉnh Thái Nguyên, Giải Khuyến khích của UBND tỉnh Hưng yên về ca khúc “Ngọt ngào Hưng Yên”… Ông được các đồng nghiệp yêu quý gọi ông là nhà báo viết phóng sự bằng âm nhạc, bởi những ca khúc của ông luôn gắn với các sự kiện thời sự lớn của đất nước.
Riêng bài hát “Nhà báo chúng tôi” được sáng tác nhân kỉ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đến nay đã được lan tỏa rộng rãi bởi sự chân thật, thể hiện được sự hào hùng của người làm báo. Những con chữ để ra bài báo, nhưng với nhà báo Tào Khánh Hưng, con chữ thành lời bài hát nhiều hình ảnh thông qua giai điệu, dễ đi vào lòng người lan tỏa nhanh.
“Khi ca khúc “Nhà báo chúng tôi” ra đời, giai điệu bài hát vang lên với những ca từ sâu lắng ngọt ngào, được các đồng nghiệp chia sẻ yêu thương khen ngợi, tôi thấy thêm yêu và tự hào hơn về nghề báo”, nhà báo Tào Khánh Hưng nói. Ca khúc đã lan tỏa nhiều Đài Phát thanh truyền hình địa phương đã dàn dựng ca khúc này trong các sự kiện về Báo chí, phát sóng giới thiệu ca khúc, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Nhân dân và Truyền hình Thông tấn xã đã dành thời lượng phát sóng phỏng vấn tác giả về ca khúc Nhà báo chúng tôi.
Yêu nghề báo và đã gắn bó 30 năm với nghề làm báo, từ một người thợ trên Công trường Thanh niên cộng sản xây dựng nhà máy thủy điện Hoà Bình năm nào. Sau khi lắp đặt xong 8 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình nhà báo Tào Khánh Hưng đã rẽ ngang sang làm báo Hòa Bình và sau này về Báo Xây dựng cho đến nay. Nhà báo Tào khánh Hưng đã trải qua quá trình học tập, rèn luyện, trải qua nhiều vị trí công tác, hiện đang là Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng.
Nhớ về những ngày đầu đến với nghề báo, điều kiện tác nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng cũng vì đam mê mà anh trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Ngày nay, làm báo có rất nhiều thuận lợi, tuy nhiên, theo nhà báo Tào Khánh Hưng, người làm báo ở bất kỳ thời đại nào, nhà báo phải có tâm huyết và trách nhiệm với nghề và không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhất là thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi phải năng động, sáng tạo thích ứng. Có vậy mới đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Vinh quang nhưng cũng phải thể hiện được trách nhiệm của người làm báo, mỗi tác phẩm báo chí hay phải được nhà báo truyền tải đến công chúng ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ, mang đến cho công chúng những giá trị đích thực cho cuộc sống phải luôn độc đáo, mới mẻ, hoàn chỉnh có tính chính xác, trung thực, tin cậy, hấp dẫn, kịp thời, có hiệu quả.
Như chính trong bài hát, nhà báo Tào Khánh Hưng đã viết “Dấn thân gian nan chọn nghề nguy hiểm”, nhà báo Tào Khánh Hưng đã muốn nhắc nhở bản thân, nhắn nhủ với các đồng nghiệp, nghề báo là một nghề hấp dẫn đấy, nhưng cũng đầy hiểm nguy.
Nghề báo cũng mang lại rất nhiều ánh hào quang lấp lánh nhưng cũng có nhiều cám dỗ. Để mỗi nhà báo có thể trụ vững và sống tự hào được với nghề báo, đòi hỏi bản thân không chỉ có tư tưởng chính trị vững vàng, sẵn sàng bỏ qua lợi ích cá nhân, giữ cho tâm sáng thì làm gì cũng bền.
Chỉ mong ai còn làm nghề thì giữ “bút sắc lòng trong”, nhà báo Tào Khánh Hưng vẫn không quên cảm ơn cuộc đời đã cho anh nhiều trải nghiệm, đặc biệt là những trải nghiệm với nghề: “Ôi! Hạnh phúc, tự hào nghề báo tôi yêu”.
Nhắc đến nhà báo, nhạc sĩ Tào Khánh Hưng rất nhiều bạn bè, các đồng nghiệp đều yêu quý, khâm phục bởi ở anh luôn thể hiện sự nhiệt huyết đam mê với lửa nghề.
Nguồn: Báo xây dựng