Vĩnh Phúc: Yêu cầu kiểm tra, tháo dỡ công trình xây dựng lấn, chiếm gây cản trở hệ thống thoát lũ
(Xây dựng) – Tỉnh Vĩnh Phúc vừa yêu cầu các ngành chức năng, địa phương kiểm tra, xử lý tháo dỡ ngay các công trình xây dựng lấn, chiếm, gây cản trở hệ thống kênh, mương tiêu thoát nước, sông, suối, lấn chiếm ao, hồ, đầm, hành lang thoát lũ…
Một điểm khai thác vận chuyển đất trái phép tại huyện Lập Thạch. |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng khai thác khoáng sản (đất) trái phép, khai thác mỏ không theo đúng thiết kế, hạ cốt không theo quy định hoặc tự ý hạ cốt, san gạt để làm nhà ở, vi phạm pháp luật về đất đai (lấn chiếm, sử dụng đất trái mục đích…); tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định ở một số địa phương… vẫn chưa được xử lý dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, làm đổ sập các công trình của người dân, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, nhất là trong mùa mưa lũ.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, trước hết thuộc về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện hết trách nhiệm và chưa thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.
Vì thế, để khắc phục những bất cập, không xảy ra các sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân trên địa bàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa chỉ đạo các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương tiến hành rà soát, phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Trong đó, đặc biệt lưu ý tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, kiểm tra ngay đối với các hộ dân đã hạ cốt, san gạt mặt bằng làm nhà ở. Kịp thời có cảnh báo, thông báo cho người dân biết và tổ chức di chuyển người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến địa điểm an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu tổ chức kiểm tra, xử lý tháo dỡ ngay các công trình xây dựng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các công trình gây cản trở hệ thống kênh, mương tiêu thoát nước, sông, suối, lấn chiếm ao, hồ, đầm, hành lang thoát lũ… để đảm bảo việc tiêu thoát nước. Cưỡng chế, tháo dỡ ngay các công trình xây dựng trái phép tại các khu vực có nguy cơ sạt lở.
Một đoạn tường thuộc Nhà máy Z95 tại huyện Tam Đảo bị ảnh hưởng trận mưa lớn vừa qua. |
Vừa qua, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có buổi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Vĩnh Phúc.
Tại đây, ông Hoài đã đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc rà soát lại công tác phòng chống thiên tai để đề ra các giải pháp căn cơ, hiệu quả, nhất là trong thời điểm hiện tại, thời tiết có những diễn biến bất thường.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm bơm tiêu, thực hiện hiệu quả công tác chống ngập lụt; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện quy trình quy định về vùng thoát lũ. Rà soát các vị trí đê xung yếu cần được nâng cấp; quản lý, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm bảo vệ hành lang đê điều…
Rác thải vứt tràn lan trên tuyến đường vừa đưa vào sử dụng tại Đại Đình, Tam Đảo. |
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, địa phương này luôn quan tâm đầu tư, thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai. Hiện tại, Vĩnh Phúc đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tiêu thoát nước, chống ngập lụt trên địa bàn.
Trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày cuối tháng 5 vừa qua ở Vĩnh Phúc đã khiến 6 người chết, 2 người bị thương; làm ngập lụt, sạt lở nhiều địa điểm, ngập úng trên 12.600ha lúa, hoa màu, thủy sản… Nhiều khu vực ở thành phố Vĩnh Yên và huyện Tam Đảo đã bị ngập lụt nghiêm trọng, chưa từng gặp suốt hàng chục năm qua.
Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị làm vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý phải thực hiện ngay việc thu gom rác thải, xác động vật chết, dọn dẹp và vệ sinh môi trường theo quy định. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc thu gom, đổ chất thải đúng nơi quy định và tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường trong khu dân cư sau khi nước rút.
Nguồn: Báo xây dựng