Vĩnh Phúc: Xây dựng hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để phát triển du lịch

(Xây dựng) – Hạ tầng giao thông được xác định là khâu then chốt của ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. Điều này được minh chứng khi hàng loạt dự án, đại công trình được triển khai, trở thành động lực cho ngành Du lịch bứt phá.

Vĩnh Phúc: Xây dựng hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để phát triển du lịch
Hạ tầng giao thông phát triển giúp Khu du lịch Tam Đảo thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, nghỉ mát.

Nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua với tổng chiều dài hơn 159km; trong đó đoạn tuyến Quốc lộ 2 qua địa bàn thành phố Vĩnh Yên và Quốc lộ 2B đã được Bộ Giao thông vận tải bàn giao về tỉnh quản lý.

Toàn tỉnh hiện có 55 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài theo quy hoạch hơn 255km, đã và đang đầu tư xây dựng khoảng 191km, còn lại khoảng 64km đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023 – 2025; 17 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 371km, trong đó 205km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng trở lên, còn lại 166km là đường cấp IV.

Ngoài ra, còn một số tuyến đường trục chính do cấp tỉnh quản lý và đầu tư như đường trục Bắc – Nam, đường trục Đông – Tây, đường trục Mê Linh và đang triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng theo quy hoạch đã được duyệt, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023 – 2025.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 8 tuyến xe buýt với 66 phương tiện hoạt động; hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh có 75 tuyến cố định với 200 phương tiện do 33 đơn vị đảm nhiệm, đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giữa tỉnh đến các địa phương trên cả nước.

Để phục vụ cho các phương tiện công cộng hoạt động, tỉnh đã xây dựng 297 điểm đỗ và 103 nhà chờ xe buýt; 9 bến xe khách tại trung tâm các huyện, thành phố, trong đó có bến xe Tam Đảo đạt tiêu chuẩn bến xe loại 1, bến xe Vĩnh Yên đạt loại 2, còn lại là loại 3 và loại 4 trở xuống 24 điểm đỗ và 56 điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định của xe taxi.

Từ nguồn vốn đầu tư công, tỉnh đã và đang có một số dự án giao thông lớn, trọng điểm được triển khai, đề xuất đầu tư và hoàn thành, trở thành điểm nhấn của đô thị với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính kết nối nội vùng, kết nối liên vùng, giữ vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút du lịch.

Điển hình như: Cầu Vĩnh Phú, cầu Đầm Vạc, đường từ cầu Bì La đi trung tâm thị trấn Lập Thạch; đường từ ĐT.302 đến đền Thõng Khu danh thắng Tây Thiên; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (khu vực Văn Quán) đến trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; đường nối Hợp Châu – Đồng Tĩnh đến Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên; đường nối từ khu Tây Thiên đến Khu du lịch Bến Tắm; đường nối từ cầu Phú Hậu – Quốc lộ 2; đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh…

Vĩnh Phúc: Xây dựng hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để phát triển du lịch
Về cơ bản, mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và được các ngành chức năng thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nói chung, kết nối các tuyến điểm du lịch của tỉnh với tuyến điểm du lịch các tỉnh lân cận nói riêng còn nhiều hạn chế. Điều đáng nói, trong số hơn 80 tuyến xe buýt công cộng, vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có tuyến, nhà chờ riêng biệt để phục vụ du lịch. Đơn cử, để di chuyển từ Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên sang Khu du lịch Tam Đảo, du khách chỉ có thể sử dụng xe cá nhân, xe hợp đồng.

Bên cạnh đó, tại các điểm du lịch xảy ra tình trạng thiếu các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng nghiêm trọng, điều này gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, dẫn đến tình trạng một số người dân xung quanh khu vực các khu du lịch sử dụng đất trống, đất thuộc sở hữu tư nhân làm bãi đỗ xe và kinh doanh thu phí cùng các hệ lụy khác như mất cắp tài sản, an toàn giao thông không đảm bảo đối với xe ra – vào bãi.

Hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tỉnh trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 – 10% nhu cầu đỗ xe/tổng số phương tiện hiện có, còn lại số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, hè phố, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của dự án.

Để ngành Du lịch của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh các yếu tố về nhân lực, cải tạo, nâng cấp diện mạo cảnh quan, về lâu dài, tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần quan tâm, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng, mạng lưới giao thông như các tuyến đường kết nối các điểm du lịch nội tỉnh, tăng cường thêm các phương tiện công cộng, xây dựng các bãi đỗ xe tại các khu du lịch…

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang tiếp tục đầu tư về hạ tầng giao thông với nhiều công trình mới được khởi công. Đây chính là cú hích, mở ra không gian phát triển du lịch, đô thị, tạo cơ hội cho du lịch Vĩnh Phúc cất cánh trong tương lai.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích