Vĩnh Phúc: Vướng mặt bằng nhiều dự án chậm tiến độ

(Xây dựng) – Nhiều dự án chậm tiến độ do chưa bố trí được đất tái định cư, việc tổ chức xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường mất nhiều thời gian, người dân chưa đồng thuận với mức giá bồi thường… khiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, chủ đầu tư chưa thể bàn giao công trình theo đúng kế hoạch.

Vĩnh Phúc: Vướng mặt bằng nhiều dự án chậm tiến độ
Các đơn vị thi công huy động nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường Vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh phúc, giai đoạn 1 (đoạn từ ĐT.305 đi ĐT 306).

Với phương châm có mặt bằng đến đâu thi công ngay đến đó, các nhà thầu Dự án đường Vành đai 2 phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dự án đường Vành đai 2 phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, giai đoạn 1 (đoạn từ ĐT.305 đi ĐT 306) chiều dài hơn 4,9km đi qua địa bàn các xã Đồng Ích, Tiên Lữ, Bàn Giản (Lập Thạch) với tổng vốn đầu tư gần 249 tỷ đồng do UBND huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt; kết nối giao thông giữa Khu công nghiệp Lập Thạch II với ĐT.305 để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung, của tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm khởi công, đến nay, dự án mới giải phóng và bàn giao mặt bằng được 18/22,5ha cho các đơn vị thi công.

Ông Ngô Tuấn Hạnh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Lập Thạch cho biết: Vướng mắc hiện nay của dự án là thủ tục xác định hệ số giá đất ở, một số đoạn của dự án đi qua khu vực chiêm trũng khiến việc kiểm kê gặp nhiều khó khăn, một số hộ dân còn chưa đồng thuận nên chưa đồng ý kiểm kê, kiểm đếm diện tích thu hồi. Cùng với đó, công tác triển khai thực hiện xây dựng khu đất tái định cư còn chậm, dự án mất nhiều thời gian cho việc di chuyển trạm BTS do Viễn thông quản lý khai thác.

Năm 2023, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công của huyện Lập Thạch được giao đến tháng 11 là hơn 750 tỷ đồng. Nguồn vốn được phân bổ cho 335 dự án, trong đó có 74 dự án chuyển tiếp, 100 dự án mới, còn lại là các dự án đã hoàn thành chờ quyết toán.

Tính đến hết 20/11/2023, toàn huyện giải ngân được hơn 526 tỷ đồng, đạt 70% so với kế hoạch giao. Tuy nhiên, công tác GPMB các dự án còn khó khăn do việc chuyển mục đích đất rừng, tái định cư chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ GPMB các dự án lớn như: Dự án xây dựng nghĩa trang nhân dân huyện; Dự án đường Vành đai 2 đô thị phía Tây tỉnh; Dự án đường Tây Thiên – Tam Sơn; Dự án đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh; Dự án Khu công nghiệp Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (khu vực 2 – giai đoạn 1).

Tại Dự án đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3 được khởi công đầu năm 2021, với chiều dài 6,1km, tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng, được chia làm 2 gói thầu. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ kết nối giao thông với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 2B, đường Kim Ngọc, đường song song đường sắt, cầu Đầm Vạc, đường vành đai 3 và cầu Vân Phúc sang Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc thi công dự án đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Văn Hoàng Long – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần KEHIN cho biết: Theo kế hoạch, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, đến nay, tại gói thầu số 1, huyện Yên Lạc mới bàn giao được khoảng 500m2 mặt bằng; tại gói thầu số 2 bàn giao khoảng 80% mặt bằng.

Theo tìm hiểu, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh còn chậm, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án, dẫn đến tình trạng có vốn nhưng chưa có mặt bằng thi công. Nguyên nhân do tổ chức xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường mất nhiều thời gian, kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thấp không đủ để thực hiện.

Công tác quản lý đất đai ở các địa phương có nhiều bất cập, vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các dự án, nhân sự tại các Ban bồi thường GPMB cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai dự án…

Mặt khác, công tác chuẩn bị đầu tư dự án mất nhiều thời gian, hồ sơ dự án còn hạn chế, chưa triển khai đầy đủ thực hiện các thủ tục về quy hoạch tổng mặt bằng, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, về phòng cháy, chữa cháy…

Để tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố xác định công tác GPMB là nhiệm vụ ưu tiên của địa phương, tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải quyết ngay những vấn đề, nội dung thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, xin ý kiến làm chậm, kéo dài thời gian thực hiện bồi thường GPMB.

Trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết, kịp thời báo cáo cấp trên chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc thực hiện công tác bồi thường GPMB để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai thực hiện.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích