Vĩnh Phúc: Vốn thực hiện các dự án FDI tăng 8% so với cùng kỳ

(Xây dựng) – Quý I/2024, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân được hơn 115 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 31% kế hoạch năm 2024. Ước tổng vốn thực hiện của các dự án FDI tỉnh gần 3.960 triệu USD, đạt 60% tổng số vốn đầu tư đăng ký của các dự án.

Vĩnh Phúc: Vốn thực hiện các dự án FDI tăng 8% so với cùng kỳ
Xây dựng nhà xưởng sản xuất tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên).

Cùng với đó, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trong nước (DDI) của tỉnh Vĩnh Phúc đạt cao với 440 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 29% kế hoạch năm 2024, nâng tổng số vốn thực hiện của các dự án DDI lên hơn 14.000 tỷ đồng, đạt 39% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Kết quả trên cho thấy, chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh không ngừng được cải thiện, kèm theo đó là niềm tin và kỳ vọng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Vĩnh Phúc. Nguồn vốn được giải ngân sớm là tiền đề để các khu, cụm công nghiệp của tỉnh hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hoạt động thu hút đầu tư những tháng đầu năm 2024, Vĩnh Phúc đón nhiều tín hiệu vui trong thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư DDI đăng ký đạt hơn 2.000 tỷ đồng; hơn 347 triệu USD vốn đăng ký FDI, đạt 86,8% kế hoạch cả năm.

Đầu tháng 3/2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trao Giấy chứng nhận đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Yên cho 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần SHINEC và Công ty cổ phần Khu công nghiệp và dịch vụ quốc tế Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 80,5 triệu USD.

Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Yên có tổng diện tích 111,3 ha nằm trên địa bàn phường Phúc Thắng và phường Nam Viêm (Phúc Yên). Theo tiến độ cam kết, từ quý II/2025 đến quý I/2027, dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng và đưa vào vận hành trong quý II/2027 với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, máy móc thiết bị y tế, thiết bị điện, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường…

Đây là 1 trong 5 Khu công nghiệp được quy hoạch phát triển mới của tỉnh đến năm 2030 và được kỳ vọng là một trong những điểm đến thu hút đầu tư sôi động và chất lượng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đến ngày 15/3, toàn tỉnh thu hút được 6 dự án mới, 6 dự án điều chỉnh vốn DDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 2.100 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm. Khu vực FDI, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án mới, 12 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký hơn 347 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ và đạt 86,8% kế hoạch năm.

Cùng với thu hút đầu tư các dự án mới, tỉnh cũng thu hút dòng vốn từ việc điều chỉnh quy mô và tăng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Điển hình như Công ty TNHH BHflex Vina, Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) – Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất và gia công thiết bị, linh kiện điện tử.

Để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các đối tác, công ty đã xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHflex Vina với tổng vốn đầu tư 3.458 tỷ đồng và tăng quy mô sản xuất sản phẩm linh kiện điện tử, tấm mạch in mềm (FPCB) từ 1.350 triệu sản phẩm/năm lên 1.600 triệu sản phẩm/năm.

Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ về thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030; Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030…

Trong đó xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thực hiện. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh được tích cực triển khai thông qua việc phối hợp với các báo, tạp chí, kênh truyền hình của Trung ương, của tỉnh và qua các kênh khác nhau để gửi thông tin tài liệu xúc tiến đầu tư tới các nhà đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước.

Để đạt và vượt mục tiêu thu hút đầu tư hơn 400 triệu USD vốn FDI, 5.000 tỷ đồng vốn DDI trong năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư, lựa chọn, mời gọi đầu tư theo định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn để làm hạt nhân, động lực kéo theo các dự án vệ tinh, hình thành các cụm liên kết về sản xuất – chế tạo – cung ứng – dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và các Khu công nghiệp mới có quyết định thành lập; giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích Khu công nghiệp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích