Vĩnh Phúc – Tuyên Quang: Tăng cường phối hợp quản lý khai thác khoáng sản
(Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang vừa ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực vùng giáp ranh giữa hai tỉnh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định.
Hoạt động khai thác cát trên khu vực sông Lô. |
Theo đó, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang sẽ tổ chức phối hợp tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các khu vực khoáng sản tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định. Cơ quan chủ trì kiểm tra của tỉnh Vĩnh Phúc hoặc tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm thông báo cho cơ quan cùng cấp của tỉnh giáp ranh biết và phối hợp thực hiện khi cần thiết. Tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, khi xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép, chính quyền địa phương tại khu vực đó chủ trì, phối hợp với cơ quan cùng cấp tỉnh giáp ranh tổ chức kiểm tra, thống nhất hình thức xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp, trong quá trình xử lý có ý kiến khác nhau thì cơ quan chủ trì quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Tùy theo tính chất, nội dung cần phối hợp, các hình thức phối hợp gồm: Văn bản đề nghị phối hợp; trường hợp khẩn cấp có thể thông báo qua điện thoại, sau đó có văn bản đề nghị, khi cần thiết thì trực tiếp làm việc để thông báo, trao đổi thông tin, tài liệu; thành lập nhóm Zalo giữa 2 địa phương (cấp huyện, cấp xã) giáp ranh giữa hai tỉnh; thành lập đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, hoặc cấp xã giáp ranh giữa hai tỉnh.
Trong phối hợp trao đổi thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các Sở, ngành liên quan của hai tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ trao đối thông tin: Về tiềm năng khoáng sản; tình hình quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản và các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản tại khu vực giáp ranh; thông tin về giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản (nếu có) đã cấp, thông tin các khu vực đã có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép liên quan đến khu vực giáp ranh. Đặc biệt là thông tin liên quan đến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép và hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép giữa hai tỉnh.
Đối với UBND cấp huyện, cấp xã khu vực giáp ranh thuộc các tỉnh trong phạm vi trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, chủ động trao đổi thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản tại khu vực giáp ranh, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
UBND cấp huyện, cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang thực hiện phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình tại các khu vực khoáng sản giáp ranh trong các trường hợp cần thiết, để xác định, tổ chức ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, mua bán khoáng sản trái phép.
Lực lượng công an tại địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm tra kiểm soát nắm tình hình trên địa bàn, kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin với lực lượng công an của tỉnh giáp ranh về các đối tượng có biểu hiện vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, mua bán khoáng sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
Trong công tác ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khoáng sản trái phép, UBND các cấp, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang có trách nhiệm chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền. Phối hợp, tạo điều kiện về lực lượng, trang thiết bị, đồng thời tổ chức ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Ngăn chặn các đối tượng vi phạm di chuyển sang tỉnh giáp ranh, trường hợp các đối tượng vi phạm đã di chuyển sang tỉnh giáp ranh, cần thông báo ngay cho cơ quan quản lý cùng cấp biết, xử lý. Phát huy và tận dụng tối đa nguồn thông tin của nhân dân tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
Xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Các đối tượng, tang vật hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, mua bán khoáng sản trái phép được xem xét xử lý tại địa phương nơi xảy ra vi phạm. Trường hợp vụ việc, hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên, thì bên phát hiện trước sẽ chủ trì xử lý, giải quyết và thông báo cho cơ quan, đơn vị giáp ranh biết, cùng phối hợp. Kết quả xử lý vi phạm được thông báo công khai; hành vi vi phạm được thông báo về nơi cư trú của các đối tượng vi phạm…
Cùng với đó, tại các khu vực khoáng sản giáp ranh, UBND cấp huyện, cấp xã khi tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản có thể kết hợp tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân của tỉnh giáp ranh trong việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản nói chung và công tác bảo vệ khoáng sản tại khu vực giáp ranh.
Thực hiện thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Kịp thời đăng tin bài về gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhằm động viên, khích lệ phong trào bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Địa phương khu vực giáp ranh tạo cơ chế thuận lợi như thông báo số điện thoại, bố trí hộp thư để kịp thời tiếp nhận đầy đủ thông tin phản ánh, tố giác tình trạng khai thác khoáng sản trái phép khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang là cơ quan đầu mối theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Quy chế này; tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý, hoạt động khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, tổ chức các cuộc họp, hội nghị liên quan…
Trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ký kết với UBND tỉnh Phú Thọ và Thành phố Hà Nội quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh. Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hà Nội bắt đầu phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Nguồn: Báo xây dựng