Vĩnh Phúc: Trại lợn Sơn Hải không có đánh giá tác động môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng
Vĩnh Phúc: Trại lợn Sơn Hải không có đánh giá tác động môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng
Ông Đỗ Đăng Nhượng Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu khẳng định trại lợn Sơn Hải chưa có đánh giá tác động môi trường và cũng khó cho xã vì trại lợn đó là của một “sếp”.
Mặc dù nằm trong quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư thế nhưng một trang trại lợn gần 10ha với khoảng hơn 1.000 lợn nái và 10.000 lợn thịt lại không có bất cứ thủ tục nào về môi trường, xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm trầm trọng.
Thực trạng trên đã diễn ra suốt 5 năm tại trại lợn của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Sơn Hải (trại lợn Sơn Hải), tại xứ đồng bãi, thôn Nhật Chiêu, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt là những người dân thường xuyên có mặt tại khu vực trên để làm đồng.
Theo chỉ dẫn của một số người dân, từ phía đê tả sông Hồng, chúng tôi chỉ mất mấy phút đi vào khu chăn nuôi tập trung xã Liên Châu và cũng không khó để nhận ra trại lợn Sơn Hải, bởi mùi phân nồng nặc cách đó cả trăm mét.
Theo quan sát của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, khu trại lợn Sơn Hải rộng gần 10 ha, nước thải được xả thải trực tiếp ra hệ thống mương xung quanh, dòng nước đen kịt, đóng từng lớp, nổi lềnh phềnh bốc mùi khó chịu. Hiện trại lợn Sơn Hà có 1 bể biogas và 4 bể chứa, phần bể chứa không lót bạt nên nước bị ngấm xuống đất.
Bác Ng. đang thu hoạch chuối gần trại lợn Sơn Hải cho biết “hôm nay còn đỡ đấy, chứ mấy hôm trước mưa nhiều phân còn lênh láng, mùi kinh lắm. Khổ nhất là những ngày nắng to, gió thổi mạnh mùi đau cả đầu không chịu được”. “Không biết cái trại lợn này của ông bà nào, tình trạng ô nhiễm như thế diễn ra lâu lắm rồi mà không thấy cơ quan nào đến kiểm tra, xử lý gì cả”, một người dân khác bức xúc.
Chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa dân cư là một hướng đi đúng, vô cùng cần thiết để phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao, bền vững. Đồng thời tạo ra những sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, chấm dứt tình trạng chăn nuôi trong khu dân cư, nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp lại gây ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, không phải địa phương nào có mô hình khu chăn nuôi tập trung cũng có hạ tầng đồng bộ, áp dụng khoa học công nghệ cao để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế-Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định. Thực trạng ô nhiễm môi trường đặt ra những thách thức, qua đó đã bộc lộ rõ sự yếu kém, buông lỏng trong quản lý ở các địa phương cũng như cơ quan trung ương và xã Liên Châu là một ví dụ.
Được biết, đến hết tháng 5/2021, xã Liên Châu trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo Quy định 08/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 14/02/2019 về điều kiện, tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí về vệ sinh môi trường phải có tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường ≥ 90 %. Vậy với tiêu chí trên, thời điểm đó xã Liên Châu liệu có đạt?
Trại lợn Sơn Hải chưa có đánh giá tác động môi trường và cũng khó cho xã vì trại lợn đó là của một “sếp”, đó là khẳng định của ông Đỗ Đăng Nhượng – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu.
Theo Khoản 3 Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP có quy định: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại từ 500 đầu gia súc hoặc 20.000 đầu gia cầm trở lên là đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Quy định là vậy, thế nhưng không biết trại lợn trên của vị “sếp” nào mà đang sở hữu rất nhiều “không”: Không đánh giá tác động môi trường, không có đăng ký nguồn chủ xả thải, không có giấy phép khai thác nước ngầm mà vẫn ngang nhiên hoạt động suốt thời gian dài.
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị