Vĩnh Phúc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 nằm trong Top 10 cả nước
(Xây dựng) – Sáng 8/7, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã họp báo, thông tin về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022, nêu các giải pháp thực hiện kinh tế – xã hội thời gian tới của tỉnh.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc họp báo thông tin tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022. |
Ông Phạm Quang Thắng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong Top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Đây là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tính từ năm 2015 đến năm 2020 và tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra (kịch bản tăng khoảng 8,3%). Trong đó: Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 15,58%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,81%; khu vực dịch vụ nhất là dịch vụ thương mại, vận tải và du lịch ước giá trị tăng thêm 6,32% so với cùng kỳ năm 2021; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thu hút đầu tư đạt kết quả khả quan, 6 tháng đầu năm tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI và 7 dự án DDI. Tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI đạt 225,47 triệu USD, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2021 và các dự án DDI đạt 7.743,46 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD đã khởi công, đi vào sản xuất như: dự án nhà máy Key Technology Hà Nội sản xuất khung thép cho máy xúc thủy lực; dự án nhà máy công nghiệp King Duan Việt Nam sản xuất các sản phẩm phụ tùng ôtô, xe gắn máy; dự án nhà máy Sumiriko Việt Nam sản xuất ống dẫn khí, ống dẫn nước và ống dẫn nhiên liệu cho xe ôtô.
Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu linh kiện điện tử tăng cao với mức tăng 25,64% so với cùng kỳ; sản lượng sản xuất ôtô các loại tăng 4,06%; sản lượng sản xuất xe máy tăng 5,25% so với cùng kỳ năm 2021.
Các hoạt động văn hóa thông tin được tổ chức với nội dung, hình thức tương đối phong phú, đa dạng, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Các lễ hội đầu năm được quản lý và tổ chức tốt. Tỉnh đã chuẩn bị tốt và tổ chức thành công 2 môn Muay và Golf thuộc khuôn khổ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Seagame 31), đặc biệt các vận động viên của tỉnh tham gia đội tuyển quốc gia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với thành tích 6 huy chương vàng, trong đó: 3 huy chương vàng cá nhân, 1 huy chương vàng đồng đội và 2 huy chương vàng tập thể ở môn đua thuyền Canoing; có 2 vận động viên được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động (01 hạng Nhì và 01 hạng Ba) và 1 vận động viên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Hoạt động dạy và học 6 tháng đầu năm 2022 được triển khai linh hoạt theo tình hình dịch bệnh, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022 Vĩnh Phúc có 8 giải Nhất đứng vị trí thứ 3 cả nước về số lượng giải Nhất của kỳ thi và đặc biệt tỉnh có 2 em học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và dự thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương (APhO) năm 2022.
Tình hình đầu tư xây dựng được tập trung triển khai, đã có 168 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Toàn tỉnh giải phóng mặt bằng đạt 449,4ha, bằng 40,5% kế hoạch năm, trong đó 1 số dự án lớn đã giải phóng mặt bằng được phần lớn diện tích như: Dự án Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc đã giải phóng mặt bằng (GPMB) 80,5/83,8ha; Dự án Khu công nghiệp Sơn Lôi đã GPMB 92/180ha; Dự án Khu công nghiệp Bá Thiện đã GPMB 93,6/103,8ha, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công theo kế hoạch.
Một số dự án lớn, trọng điểm đã hoặc đang chuẩn bị hoàn thành như: Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (khu vực xã Văn Quán huyện Lập Thạch) đến trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; đường nối Hợp Châu – Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên; đường vành đai 4; Bệnh viên Sản Nhi tỉnh; nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện đa khoa tỉnh; sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc; cầu Đầm Vạc…
Ước giải ngân đến hết 30/6/2022 đạt 2.380 tỷ đồng, đạt khoảng 24,4% so với tổng kế hoạch (bao gồm vốn kéo dài và vốn kế hoạch năm 2022) và bằng 34,3% so với kế hoạch Trung ương giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 22% kế hoạch) và cao hơn trung bình trung của cả nước(ước đạt 27,86% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Nguồn: Báo xây dựng