Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nhà máy xử lý rác thải

(Xây dựng) – Lượng rác thải phát sinh ngày một lớn khiến việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung trở thành yêu cầu cấp bách. Tuy vậy, việc triển khai các dự án xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn chậm. Thực tế đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải theo đúng lộ trình đã đề ra.

Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), số lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh trong năm 2022 khoảng 920 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày (tỷ lệ thu gom đạt 96%); khu vực nông thôn 570 tấn/ngày (tỷ lệ thu gom đạt 76%). Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt còn hạn chế, mới chỉ đạt trên 25%, chủ yếu vẫn là xử lý bằng phương pháp chôn lấp thủ công, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trong bối cảnh lượng rác thải phát sinh ngày một lớn, diện tích chôn lấp tại các bãi rác ngày một thu hẹp, việc áp dụng các phương pháp xử lý hiện đại, hạn chế chôn lấp rác thải sinh hoạt nhằm tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác là vô cùng cần thiết.

Trên thực tế, đây cũng là vấn đề mà tỉnh quan tâm triển khai từ nhiều năm nay. Trong Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh mới được phê duyệt cuối năm 2021, việc quy hoạch vị trí, địa điểm và triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại các huyện, thành phố cũng là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra với những mục tiêu và lộ trình triển khai cụ thể theo từng năm.

Tuy nhiên đến nay, mới có nhà máy xử lý rác tại thị trấn Tam Hồng được cấp giấy phép môi trường và đi vào hoạt động với công suất 120 tấn/ngày đêm.

Việc cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lên 150 tấn/ngày đêm (mục tiêu theo đề án là hoàn thành trong năm 2021) nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do năng lực của chủ đầu tư nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa là Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ Việt còn hạn chế, yếu kém.

Đồng thời, việc triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch cũng đang gặp vướng mắc do người dân 2 xã Xuân Hòa và Ngọc Mỹ phản đối quyết liệt, không đồng ý xây dựng nhà máy tại địa phương.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và phê duyệt chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung ở các địa phương khác trong tỉnh hiện mới chỉ dừng lại ở việc lựa chọn đề xuất được vị trí địa điểm, cập nhật vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 mà chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai xây dựng.

Việc triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện, thành phố còn chậm dẫn đến tình trạng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh còn manh mún, thiếu đồng bộ và không thể tổ chức phân loại rác thải tại nguồn được. Từ đó, khó khăn trong điều tiết phân luồng vận chuyển rác thải và triển khai việc cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải ở các địa phương.

Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Bãi rác chôn lấp tại xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường được xử lý thô sơ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trong thông báo của UBND tỉnh về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang sau cuộc họp đánh giá kết quả triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương trong thực hiện nội dung quy hoạch vị trí, địa điểm và triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải của các huyện, thành phố.

Trong đó, huyện Tam Dương cần khẩn trương nghiên cứu về địa điểm ở khu vực giáp Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ Việt và báo cáo đề xuất việc kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, công nghệ phù hợp và hiệu quả để triển khai dự án xử lý rác thải. Huyện Lập Thạch chủ động làm việc với Công an tỉnh và đánh giá tính khả thi của phương án đầu tư nhà máy xử lý rác thải đã được lựa chọn báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Đảo, Sông Lô tổ chức rà soát, bổ sung các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải vào danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.

Cuối tháng 11/2023, Công ty Korea EastWest Power của Hàn Quốc và Công ty TNHH Giải pháp năng lượng LTT (Hà Nội) đã làm việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc về đầu tư xây dựng Dự án phục hồi môi trường xanh.

Ông Lee Youngchan cho biết: Dự án phục hồi môi trường xanh tại Vĩnh Phúc được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2026) được đề xuất đầu tư xây dựng dây chuyền đốt 200 – 600 tấn rác khô/ngày với công suất phát điện từ 10 – 30 MW. Giai đoạn 2 (năm 2030), đầu tư nhà máy biogas với công suất 100 – 200 tấn rác/ ngày. Với công nghệ hiện đại, nhà máy có khả năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên tới 90%, sản xuất điện, vật liệu xây dựng cho san lấp và vật liệu không nung, đất dinh dưỡng cho cây trồng và xử lý nước thải bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam và quốc tế.

Sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, Sở, ngành, địa phương cùng sự ủng hộ, chia sẻ khó khăn về việc đặt địa điểm nhà máy xử lý rác thải của người dân sẽ là điều kiện tiên quyết, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích