Vĩnh Phúc: Tăng cường xử lý nước thải tại các khu công nghiệp
(Xây dựng) – Sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, tăng thu nhập đầu người nhưng cũng kéo theo không ít ảnh hưởng về môi trường, đòi hỏi các khu công nghiệp cần có một hệ thống xử lý nước thải trong quá trình sản xuất được đầu tư đồng bộ.
Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên tiếp nhận, xử lý hiệu quả nước thải trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. |
Tính đến 31/5/2021, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 8/19 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được 389 dự án thứ cấp. Trong đó, có 327 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 84% tổng số dự án đầu tư. Bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã làm phát sinh một lượng lớn nước thải.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước thải tại các khu công nghiệp hiện đạt khoảng 15 nghìn m3/ngày đêm. Lượng nước thải này được phát sinh từ các hoạt động sản xuất, vệ sinh công nghiệp và sinh hoạt của công nhân viên trong các doanh nghiệp. Với quan điểm: “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và trong khu công nghiệp nói riêng luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Trong 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 7 khu công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn hiện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế khoảng 27.800m3/ngày đêm. Tại Khu công nghiệp Kim Hoa: Công ty Honda Việt Nam 1.000 m3/ngày đêm; Khu công nghiệp Khai Quang với 3 modul có tổng công suất là 9.800 m3/ngày đêm; Khu công nghiệp Bá Thiện II với 2 modul có tổng công suất là 5.000 m3/ngày đêm và Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc là 3.000 m3/ngày đêm…
Trong đó, có 6 khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp đều được triển khai xây dựng theo báo cáo đánh giá môi trường (ĐTM) được duyệt.
Tuy vậy, trong số các khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung, Khu công nghiệp Bá Thiện hiện chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, do hệ thống xử lý nước thải tập trung bị hư hỏng nặng, xuống cấp, chưa sửa chữa, nâng cấp kịp thời nên không đủ điều kiện để tiếp nhận nước thải.
Trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp đã yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Tam Dương II – Khu A, Bá Thiện – Phân khu 1 hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, công tác phòng ngừa và ứng phó đối với sự cố môi trường.
Cùng với đó, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng thường xuyên theo dõi, rà soát, nắm bắt tình hình diễn biến về môi trường và việc thực hiện các quy định về môi trường, nhằm phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giám sát tình hình hoạt động của các Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, triển khai lấy mẫu, phân tích và thông báo kết quả phân tích mẫu nước thải công nghiệp đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Gia Lượng – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: “Nhìn chung, các chủ đầu tư dự án tại khu công nghiệp đều chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, cơ bản không có doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường khu công nghiệp. Trong thời gian qua, chưa có các vấn đề môi trường đáng lưu tâm hoặc các sự cố môi trường đã từng xảy ra liên quan đến hoạt động của khu công nghiệp”.
Hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Khai Quang thường xuyên được các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra. |
Thời gian tới, Ban quản lý các công nghiệp tiếp tục quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến hóa chất tại các khu công nghiệp, nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép đầu tư cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Nguồn: Báo xây dựng